Các nhà khoa học tại Đại học Georgia, Mỹ đã khảo sát 468 người kết hôn về các vấn đề: Tài chính, cách cư xử và sự biết ơn của họ với người bạn đời.
Lòng biết ơn được xác định thông qua mức độ đánh giá, quý trọng và hiểu biết lẫn nhau mà một cá nhân cảm thấy được từ người bạn đời.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cách đơn giản để có hạnh phúc gia đình chính là thường xuyên nói “cảm ơn” với vợ/chồng của mình. Lòng biết ơn có thể dự đoán về mức độ hạnh phúc gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến cách cư xử của vợ, chồng với nhau.
Tác giả chính của nghiên cứu - Allen Barton, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về gia đình UGA - cho biết: “Hai chữ “cảm ơn” có sức mạnh lớn hơn chúng ta tưởng tượng. Nếu một cặp vợ chồng đang trải qua đau khổ hoặc gặp vấn đề khó khăn trong cuộc sống, sự biết ơn lẫn nhau chính là động lực thúc đẩy họ cố gắng”.
Giáo sư Ted Futris thuộc Đại học Georgia nói: “Điều quan trọng là khi mối quan hệ vợ - chồng gặp xung đột tiêu cực, sự biết ơn và đánh giá cao bạn đời có thể chống lại hoặc giảm tác động tiêu cực của xung đột tới sự ổn định của cuộc hôn nhân”.
Kết quả từ nghiên cứu này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đây về xung đột yêu cầu/rút lui, cũng như cách tiền bạc phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Ông Barton giải thích: “Xung đột yêu cầu/rút lui xuất hiện khi một bên có xu hướng đòi hỏi, mè nheo hay chỉ trích, trong khi bên còn lại phản ứng bằng cách rút lui, tránh sự đối đầu. Trường hợp phổ biến là vợ yêu cầu chồng rút lui. Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy khó khăn tài chính ít ảnh hưởng tới kết quả hôn nhân. Hôn nhân chỉ bị ảnh hưởng khi vợ - chồng thường xuyên có xung đột yêu cầu/rút lui lúc gặp khó khăn về tiền bạc. Khi đó, các cặp vợ chồng có xu hướng chỉ trích lẫn nhau nhiều hơn”.
Ông Barton khẳng định, lòng biết ơn có thể giải quyết vấn đề này.
Đây là nghiên cứu đầu tiên về tác dụng của lòng biết ơn đối với đời sống hôn nhân. Nó quan trọng vì nhờ nó mà các cặp vợ chồng sẽ biết cách xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc.
Việt Anh (Theo Today)