Đây quả là tin vui khi một nghiên cứu mới do Trường Y tế Công cộng Đại học Johns Hopkins thực hiện chỉ ra, tỷ lệ người trưởng thành mắc chứng đột quỵ ở Mỹ đã bắt đầu sụt giảm kể từ cuối thập niên 1980 và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn.
Các nhà khoa học đã kiểm tra dữ liệu của một nghiên cứu về sức khỏe tim mạch bắt đầu từ năm 1987, thu hút sự tham gia của gần 15.800 tình nguyện viên là người trưởng thành trong độ tuổi 45 – 64 tại bốn tiểu bang. Họ phát hiện thấy, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên mắc đột quỵ đã giảm khoảng một phần ba sau mỗi thập kỷ trong giai đoạn 1987 – 2017. Cụ thể, chỉ có 1.028 ca đột quỵ được ghi nhận với những người tham gia trong nhóm tuổi này.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người hút thuốc mắc đột quỵ cũng giảm xuống, mặc dù đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh lớn nhất. Mặc khác, một số yếu tố nguy cơ khác như huyết áp cao và tiểu đường loại 2 lại trở nên phổ biến hơn. Do đó, việc kiểm soát huyết áp, nồng độ cholesterol và đường huyết tốt sẽ giúp làm giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên trên quy mô toàn dân số, sự sụt giảm của tỷ lệ người mắc đột quỵ còn lớn hơn những gì có thể dự đoán được từ hoạt động kiểm soát các yếu tố gây rủi ro cho cá nhân. Theo lý giải của nhóm, nghiên cứu trên đã không thể đo lường hết được một số nhân tố khác bao gồm hoạt động thể chất, chế độ ăn uống hay lượng muối trong khẩu phần ăn. Ngoài ra nhóm cũng khuyến cáo, mặc dù người ở độ tuổi 65 trở lên thường có nguy cơ đột quỵ cao hơn, nhưng điều này cũng không phải là ngoại lệ đối với những người trẻ tuổi, và thậm chí xu hướng này còn đang tăng lên trong những năm qua.
Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần sớm nhận biết các dấu hiệu có nguy cơ dẫn đến đột quỵ để kịp thời tìm đến sự trợ giúp. Có thể liệt kê một vài triệu chứng như: tay chân ủ rũ, vô lực, tê dần, liệt một bên mặt, nói lắp, bất chợt lẩn thẩn, nhìn khó khăn khi đang đi lại, đau đầu, …
Nguồn:
Hải Đăng (theo Knowridge)