Nếu biết cách luyện tập, bạn có thể biến cơ hoành của mình thành một trái tim thứ hai, giúp sức cho trái tim thật trong việc truyền máu đi toàn cơ thể.
Cho dù kỹ thuật mổ tim đang được phát triển không ngừng, vấn đề của người bệnh là liệu căn bệnh có thực sự khóa sổ sau ngày xuất viện, nếu như may mắn tai qua nạn khỏi hay thủ thuật thông tim chỉ là biện pháp tạm bợ đúng nghĩa cấp cứu? Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Nhiều người ắt hẳn đã tiếc rẻ nếu “trời sinh voi sinh cỏ”, tại sao lại không gắn thêm trong cơ thể con người trái tim phòng hờ?
Tận dụng chức năng của cơ hoành
Ước muốn đó tưởng chừng như chuyện không tưởng lại không hẳn là “điệp vụ bất khả thi” nếu đừng quên cơ hoành, lớp cơ trơn giữ vai trò lá chắn giữa lồng ngực và xoang bụng, một thành phần tưởng chừng như không giữ vai trò nào nổi bật trong cơ thể. Ấy vậy mà chỉ cần biết cách thay đổi điều kiện vận hành, cơ hoành có thể lột xác để trở thành đòn bẩy cho trái tim khỏe mạnh.
Người tập khí công, dưỡng sinh, yoga… bao giờ cũng có một điểm tương đồng trong thao tác. Người tập bao giờ cũng phải tiến hành hai công đoạn hô hấp hầu như trái ngược về kỹ thuật. Nếu hít vào bằng mũi thì thở ra bằng miệng. Nếu hít vào thật nhanh thì thở ra thật chậm hay ngược lại. Người tập kỹ thuật hô hấp sở dĩ chọn động tác vào ra tương phản như thế là vì muốn tận dụng chức năng của cơ hoành!
Một số động tác ít nhiều phức tạp, từ cách ngồi hoa sen, nằm kê mông cho đến trồng chuối… đều tăng cường hiệu năng cho cơ hoành.
Mát xa được nội tạng mới hay
Tập động tác hô hấp cơ hoành di chuyển lên, xuống nhịp nhàng trong từng nhịp thở. Với cách thở thông thường, cơ hoành hầu như không ảnh hưởng được bao nhiêu trong vùng xoang ngực và xoang bụng. Nhưng nếu biết cách hít thật sâu để tăng áp lực trong lồng ngực khiến cơ hoành bị đẩy xuống với sức ép cao hơn bình thường thì cơ hoành khi đó như bàn tay đưa thêm máu đến toàn bộ cơ quan khu trú trong xoang bụng. Ngay lúc đó, nếu động tác giữ hơi được thực hiện đúng kỹ thuật thì cơ hoành chẳng khác nào chiếc van đóng kín để lượng máu luân lưu đến gan, thận, tụy tạng, dạ dày, ruột… đừng vội vã tháo chạy mà ngược lại, có đủ thời giờ bàn giao dưỡng chất và tiếp nhận phế chất. Liền sau đó, động tác thở ra lại kéo cơ hoành trở về vị trí bình thường và qua đó giải tỏa áp lực trong xoang bụng để máu được hút từ nội tạng đổ về tim một cách hồ hởi. Chuyên gia ngành yoga ở Ấn Độ đã không quá lời khi so sánh cơ hoành như bàn tay điêu luyện vừa xoa vừa bóp nội tạng bằng động tác khi bóp khi buông, lúc bơm lúc hút. Không lạ gì khi rối loạn chức năng tiêu hóa, tiết niệu… là điều xa lạ với người khổ công tập thở!
Cơ hoành: Trợ thủ khéo tay
Chưa hết hay. Cơ hoành một khi được kéo lên, trong thời thở ra sẽ tạo áp lực trong lồng ngực để đẩy máu từ tim lên phổi, đồng thời tưới máu trên thành tim. Ngược lại, cơ hoành khi hạ thấp trong thời hít vào giúp động tác co thắt của trái tim thêm phần nhẹ nhàng. Nói cách khác, cơ hoành hoạt động càng mạnh thì trái tim càng khỏe, nhờ thế liên hoàn trong vận động cứ như đang khiêng nặng bỗng có người phụ một tay. Chính vì thế mà nhiều chuyên gia ngành khí công đã không quá lời khi đặt tên cho cơ hoành là “trái tim thứ hai”!
Một công nhiều việc
Trên thực tế, cơ hoành không chỉ hữu ích cho trái tim. Như đã phân tích, vận động của cơ hoành có tính chiến lược theo kiểu “một công hai việc”, vừa trợ lực cho trái tim và hai lá phổi, vừa tiếp dưỡng khí cho đủ loại cơ quan trong xoang bụng. Người quán triệt kỹ thuật hô hấp qua đó có thể tự cải thiện chức năng hô hấp do tác dụng gián tiếp trên hệ tuần hoàn. Với cơ chế bơm hút vừa trình bày, biết cách hít thở đồng nghĩa với tối ưu hóa chức năng của não bộ, của hệ tiêu hóa, nội tiết, sinh dục… nhờ tế bào không thiếu dưỡng khí. Thầy thuốc chuộng môn dưỡng sinh quả thật đã không xa rời thực tế khi áp dụng kỹ thuật hô hấp để điều trị từ mất ngủ, bước qua rối loạn nhịp tim, cho đến… táo bón!
Trăm hay không bằng tay quen
Để tăng cường hiệu năng của cơ hoành, người tập yoga, dưỡng sinh còn khéo hơn nữa khi kết hợp trong bài tập một số động tác ít nhiều phức tạp, từ cách ngồi hoa sen, nằm kê mông cho đến trồng chuối… Tất cả động tác ít nhiều phức tạp trong bài tập dưỡng sinh trên thực tế chỉ xoay quanh mục đích tạo điều kiện khó khăn để buộc cơ hoành hoạt động mạnh hơn, lâu hơn, dẻo dai hơn, nhịp nhàng hơn khi người tập hít thở. Cơ hoành càng sung sức, tim càng đỡ mệt. Chuyên gia ngành khí công ở Trung Quốc ắt hẳn có lý do chính đáng khi quả quyết ai nắm vững kỹ thuật luyện tập cơ hoành, người đó quán triệt bí quyết sống lâu gần… trăm tuổi!
Bệnh tim vẫn trước sau đứng đầu về tỉ lệ tử vong mặc dù thầy thuốc đang có trong tay thuốc tốt, máy xịn! Chờ chi đến lúc trái tim thủ vai chính đã mệt gần đứt hơi mới co giò tìm thầy chạy thuốc? Rượt đuổi có khéo cách mấy cũng đã chậm ít bước. Với bệnh tim mạch cho dù có tìm được giải pháp tạm bợ cũng mệt cầm canh! Cách tốt nhất để trị bệnh tim là sống sao để tim đừng bệnh, càng lâu càng tốt. Có khó lắm không nếu bỏ ra mỗi ngày ít phút cho vài động tác tập luyện cơ hoành? Ấy vậy mà số người xếp hàng chờ lịch mổ tim vẫn càng lúc càng đông?!