Không đơn thuần chỉ là loại rau sống ăn kèm trong các bữa ăn, húng lủi còn là thảo dược mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tốt cho tiêu hóa, ngừa ung thư, làm đẹp da, giúp hơi thở thơm mát, chữa trị vết con trùng cắn…
Ảnh minh họa.
1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng
Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng rau húng lủi. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.
Đất trồng
Rau húng lủi có thể được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên rau sẽ phát triển tốt khi được trồng trên nền đất tới xốp, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt.
Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 7 - 10 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.
Ảnh minh họa.
2. Chọn giống và trồng cây
Rau húng lủi thường được trồng bằng cách giâm cành. Nên chọn cây giống từ những cây mẹ to khỏe (chưa ra hoa), không sâu bệnh. Sau đó, cắt đoạn hom giống dài từ 15 - 20cm, ghim nhánh vào chậu đất với khoảng cách 8 - 10cm và nghiêng gốc với mặt đất khoảng 30 độ. Một chậu có thể trồng 4 - 5 hom giống.
Sau khi trồng xong, dùng vòi nước nhẹ tưới đẫm chậu rau sau khi trồng, để chậu nơi thoáng mát hay bóng râm, kê chậu để thoát nước tốt.
Ảnh minh họa.
3. Chăm sóc
Vào mùa khô, cần tưới nước cho rau húng lủi ngày 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát nhằm đảm bảo chậu rau luôn luôn ẩm. Vào mùa khô, nên làm công tác thoát nước tốt. Nếu để rau bị khô hay úng đều làm cho rau bị đen thân lá và chết dần.
Sau khi trồng cây khoảng 20 ngày, tiến hành bón lót cho cây bằng phân bò, phân dê, phân cá, phân hữu cơ… Cứ khoảng 20 - 30 ngày lại tiến hành bón đợt tiếp theo cho cây.
Ảnh minh họa.
4. Thu hoạch
Sau khi trồng 2 tháng là rau húng lủi cho thu hoạch. Dùng kéo hay dao sắc cắt gốc chừa lại khoảng 3 - 4 cm (tính từ mặt chậu). Sau mỗi đợt thu hoạch thì bỏ phân cho cây.
Lương Ngọc (Tổng hợp)