Cặp nhiễm sắc thể quyết định giới tính của nam giới bao gồm một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y (XY). Trong khi đó, phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X (XX). Thông thường trong quá trình phân chia tế bào, bản sao của tất cả nhiễm sắc thể được tạo ra và sắp xếp vào hai tế bào con mới. Nhưng trong một số quá trình phức tạp, nhiễm sắc thể đôi khi có thể biến mất. Hiện tượng mất nhiễm sắc thể Y phổ biến hơn ở nam giới già so với nam giới trẻ
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science, Lars Forsberg và các cộng sự tại Khoa miễn dịch học, di truyền và bệnh lý thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển) tiến hành tìm hiểu những yếu tố khiến nam giới mất đi nhiễm sắc thể Y. Các nhà khoa học thu thập dữ liệu sức khỏe của 6.000 nam giới tham gia vào ba nghiên cứu dịch tễ học khác nhau tại Thụy Điển. Những người tham gia được hỏi về các yếu tố tác động như tập thể dục, huyết áp, uống rượu, hút thuốc và xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ phổ biến của nhiễm sắc thể Y trong máu.
Kết quả cho thấy, hiện tượng mất nhiễm sắc thể Y trong tế bào ở những nam giới tham gia nghiên cứu khá phổ biến. Trong hai nhóm nam giới có độ tuổi từ 70 đến 80, nhóm thứ nhất có 12,6% số người mất nhiễm sắc thể Y trong các tế bào máu. Tỷ lệ này ở nhóm thứ hai là 15,6%.
Đối với nhóm nam giới thứ ba với độ tuổi dao động từ 48 đến 93 tuổi, chỉ có 7,5% số người mất nhiễm sắc thể Y. Kết quả nghiên cứu của nhóm này đã làm nổi bật ảnh hưởng của tuổi tác. Trong số những người đàn ông 70 tuổi trở lên, có 15,4% người bị mất nhiễm sắc thể Y. Tỷ lệ này chỉ bằng 4,1% ở những người dưới 70 tuổi.
Sự mất mát nhiễm sắc thể Y giải thích tại sao nam giới hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao hơn so với những người hút thuốc là nữ giới. “Các tế bào mất nhiễm sắc thể Y không bị chết đi, nhưng chức năng sinh học của chúng sẽ bị gián đoạn”, Forsberg cho biết. “Tế bào miễn dịch trong máu có nhiệm vụ chống ung thư sẽ bị tổn hại do thiếu nhiễm sắc thể Y.”
Từ số liệu tổng thể này, nhóm nghiên cứu so sánh yếu tố lối sống và sức khỏe của các tình nguyện viên. Họ nhận thấy ngoài yếu tố tuổi tác, chỉ có hút thuốc là liên quan đến hiện tượng mất nhiễm sắc thể Y. Những người hút thuốc có nguy cơ mất nhiễm sắc thể Y cao hơn từ 2,4 đến 4,3 lần so với người không hút thuốc.
Cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh rằng hút thuốc là nguyên nhân trực tiếp làm mất nhiễm sắc thể Y và xác định cơ chế chính xác của hiện tượng này.Nhưng một số manh mối trong kết quả nêu trên đã gần như khẳng định chắc chắn thuốc lá là thủ phạm. Thứ nhất, những người đàn ông hút càng nhiều thuốc thì càng mất nhiều nhiễm sắc thể Y hơn. Thứ hai, đối với những người đàn ông đã bỏ thuốc, mức độ nhiễm sắc thể Y trong máu của họ không có gì khác biệt so với người chưa từng hút thuốc.
“Nếu bạn ngừng hút thuốc, những dòng tế bào máu thiếu nhiễm sắc thể Y sẽ biến mất khỏi vòng tuần hoàn. Nói cách khác, sự biến mất của nhiễm sắc thể Y có thể đảo ngược”, Forsbergnói.