Mối liên hệ giữa hút thuốc và mất thính lực
Chúng ta có thể thêm nguy cơ mất thính lực vào danh sách dài các lý do tại sao hút thuốc rất hại cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research vào hôm 14/3, các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện những người hút thuốc có nguy cơ nghe kém hơn 70% so với người không bao giờ hút thuốc.
“Một người càng hút nhiều thuốc thì nguy cơ bị mất thính lực càng cao. Nguy cơ mất thính lực tăng lên cùng với số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày. Nếu bỏ thuốc lá là điều không thể thì chúng ta nên hút càng ít càng tốt”, Huanhuan Hu, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe và Y tế toàn cầu (Nhật Bản), cho biết.
Các nhà khoa học theo dõi sức khoẻ của 50.195 người dân Nhật Bản ở độ tuổi từ 20 – 64 trong thời gian tám năm. Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ những cuộc kiểm tra sức khỏe diễn ra hàng năm tại Nhật Bản. Với quy mô mẫu lớn và thời gian nghiên cứu dài, cũng như các điều chỉnh kèm theo cho những vấn đề riêng biệt như chỉ số khối của cơ thể (BMI) cao và bệnh tiểu đường, đây là nghiên cứu toàn diện nhất cho thấy mối liên hệ giữa hút thuốc lá và mất thính lực.
Hút thuốc lá có hại nhiều mặt cho sức khỏe. Ảnh: Consultadobem Nhóm nghiên cứu xem xét khả năng nghe tần số cao (khi đang nói chuyện với người khác) và khả năng nghe tần số thấp (tiếng rung của xe hơi) của người dân. Kết quả cho thấy, những người hút 10 điếu thuốc lá mỗi ngày có khả năng bị mất thính lực ở dải tần số cao lớn hơn 40% và tần số thấp lớn hơn 10% so với người bình thường.
Đối với người hút từ 11 – 20 điếu thuốc mỗi ngày, những con số này tăng lên tương ứng là 60% và 20%. Đối với người hút hơn 20 điếu thuốc/ngày, rủi ro thậm chí còn tăng cao hơn nữa, đó là khả năng bị mất thính lực tần số cao tăng lên 70% và khả năng mất thính lực tần số thấp tăng lên 40%.
Nếu bạn cần một nỗ lực nhỏ để từ bỏ thuốc lá, nghiên cứu cũng nhận thấy nguy cơ mất thính lực liên quan đến việc hút thuốc lá bắt đầu giảm dần trong vòng 5 năm sau khi bỏ thuốc lá. “Với phương pháp đánh giá khách quan, nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy hút thuốc là một yếu tố rủi ro độc lập gây ra mất thính lực”, Hu nói.
Hạn chế của nghiên cứu
Nghiên cứu có một số điểm hạn chế nhất định. Các đối tượng tham gia khảo sát tự báo cáo thói quen hút thuốc của họ chứ không phải được theo dõi độc lập. Dữ liệu về việc tiếp xúc với tiếng ồn tại nơi làm việc chưa được thống kê đối với tất cả mọi người tham gia. Do đó, các nhà khoa học chưa thể xem xét môi trường làm việc ảnh hưởng đến thính giác của họ như thế nào.
Nhóm nghiên cứu vẫn chưa biết rõ tại sao hút thuốc lá lại làm suy giảm thính lực của con người. Nguyên nhân có thể là do chất độc của khói thuốc lá làm hỏng tai trong. Một giả thuyết khác là nicotine và carbon dioxide (CO2) trong khói thuốc làm giảm lượng oxy trong máu, qua đó ảnh hưởng đến chức năng của tai.