Ngoài 90 tuổi vẫn chiến thắng ung thư
Claudia Wallis là nhà báo nữ chuyên viết bài về ung thư. Bố chồng bà - dù đã 88 tuổi - vẫn là một vận động viên quần vợt. Sau một pha giao bóng chuệch choạc, ông đi khám và nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy, di căn, cấp tính. Việc bác sỹ cho biết quá trình điều trị có thể tốn ít thời gian không giúp ông bớt sợ phải trải qua những ngày cuối đời trong sự hành hạ của hóa trị liệu. Ông quyết định vào dưỡng đường và ra đi 2 tháng sau.
Cũng phát hiện ung thư khi đã 91 tuổi, nhưng bố đẻ của Wallis lại chấp nhận ca mổ cắt khối u đã xâm nhập vách bàng quang và 7 tuần hóa trị liệu, 35 lần xạ trị. Tuy có lúc than phiền về sự mệt mỏi do trị liệu nhưng sau 20 tháng, ông đã chiến thắng bệnh tật và sống khoẻ mạnh.
Một bệnh nhân ung thư người Mỹ đang được bác sỹ tư vấn. Ảnh: Prostatecancernews
Các nghiên cứu cho thấy, nếu cuộc sống đủ dài, 40% trong chúng ta phát triển các tế bào ác tính đe dọa tính mạng. Tuy ung thư cũng xuất hiện ở người trẻ nhưng nhìn chung, đây là bệnh của sự lão hóa, là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho người Mỹ độ tuổi 60-79.
Nguy cơ ung thư tăng cao ở người già chủ yếu do: Tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng, bức xạ, độc tố của môi trường, các phụ phẩm độc hại của quá trình trao đổi chất; tế bào già dễ bị tổn thương hơn bởi các tác nhân trên hoặc ít có khả năng sửa chữa chúng; hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi.
Lodovico Balduci - nhà ung thư học từng làm việc ở Trung tâm Ung thư Moffit tại Tampia, Mỹ - cho biết: “Đa số tế bào lão hóa phát sinh biển đổi genom khiến người già mẫn cảm hơn với các chất gây ung thư trong môi trường”.
Cần có nghiên cứu riêng cho người già
Mặc dù ung thư thường gặp ở người già, nhưng có rất ít nghiên cứu về điều trị cho bệnh nhân trên 70 tuổi, một phần do các cố gắng tìm liệu pháp thích hợp với các cụ tuổi 90-100 trước đây cho hiệu quả rất thấp.
Ngoài ra, nhiều nhà khoa học tin rằng ung thư ít xâm lấn ở người già, xuất phát từ thực tế bệnh ung thư vú và tuyến tiền liệt phát triển chậm hơn ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ung thư ruột, bàng quang, bạch cầu và nhiều loại ung thư khác lại phát triển nhanh hơn và khó chữa.
Môi trường sinh trưởng của tế bào trong cơ thể người già rất khác người trẻ. Sự suy giảm hormone sinh dục làm chậm phát triển khối u vú và tuyến tiền liệt; nhưng nhiều thay đổi khác, như nồng độ insulin tăng lại kích thích sự phát triển khối u. Các mô già dễ viêm hơn, làm tăng nguy cơ ung thư. Các thống kê cho thấy tốc độ phát triển ung thư cao nhất ở độ tuổi trên 75. Khả năng khối u ung thư xâm lấn các mô khác ở họ cao gấp 3 lần độ tuổi 50-64.
Việc có ít nghiên cứu cho người già khiến các bác sỹ thiếu thông tin để xây dựng phác đồ tốt nhất cho họ. Bà Holly Holmes - Trung tâm Ung thư M.D Anderson, Mỹ - nói: “Các bác sỹ phải suy luận từ phác đồ của người trẻ hơn để áp dụng với bệnh nhân lớn tuổi”. Thực trạng đó có thể sẽ dần được khắc phục bởi Viện Y - Dược Mỹ đã đề xuất tăng 6 tháng thời hạn sở hữu sáng chế cho các hãng dược nếu sản phẩm được thử nghiệm ở bệnh nhân lớn tuổi.
Ngoài ra, bà Holmes và ông Balducci đều cho rằng việc chỉ xét tuổi thực của bệnh nhân sẽ cho bộ chỉ số không đầy đủ khi đánh giá đáp ứng điều trị. Nên xét tuổi sinh lý - gồm cả sức khỏe và hạnh phúc - dự trữ sinh lý thiết yếu cho khả năng chịu stress, bao gồm stress về phẫu thuật và hóa trị.
Các bác sỹ có thể xác định tuổi sinh lý nhờ một công cụ đánh giá toàn diện người già, xem xét các điểm mạnh, yếu trước khi phẫu thuật, gồm: Các bệnh kinh niên, lịch sử dùng thuốc, khả năng nhận thức, tình trạng dinh dưỡng, trợ cấp xã hội. Ngoài ra, cần tính đến việc họ có cần bác sỹ giúp đỡ ra khỏi giường, mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh… hay không, cũng như vấn đề giải quyết tiền nong, thuốc thang, giặt giũ, vận chuyển công cộng…
Giống các giai đoạn phát triển mà bác sỹ nhi dùng đánh giá sức khỏe của trẻ, theo các chuyên gia, những yếu tố trên của người già cũng dự báo khả năng chịu đựng các liệu pháp điều trị. Tuy nhiên, công cụ đánh giá này chỉ dễ dàng áp dụng tại các trung tâm chữa bệnh lớn.