Đại diện Công ty IBM Việt Nam cho biết, trong vài tháng tới, hệ thống máy tính IBM Watson ứng dụng công nghệ điện toán biết nhận thức vào chẩn đoán, điều trị ung thư sẽ được đưa vào một số bệnh viện của Việt Nam.

TS DiNardo làm việc với bệnh nhân bằng hệ thống IBM Watson tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ). Ảnh: INT
TS DiNardo làm việc với bệnh nhân bằng hệ thống IBM Watson tại Trung tâm Ung thư MD Anderson thuộc Đại học Texas (Mỹ). Ảnh: INT

Watson là một công nghệ phân tích rất sâu và nhanh, phân tích cả dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc, giúp xử lý lượng thông tin lớn và đa dạng.

Nói một cách dễ hiểu, hệ thống máy tính Watson của IBM sẽ như một trợ lý thông thái, giúp các bác sỹ đưa ra quyết định đúng đắn nhất khi lựa chọn phương án điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cụ thể. Sự hỗ trợ này được thực hiện dựa trên việc xử lý kho dữ liệu khổng lồ (lưu trữ bằng công nghệ điện toán đám mây) về các kiến thức y - dược học, kết quả nghiên cứu, quy trình chuẩn về chẩn đoán, điều trị ung thư trên thế giới cũng như toàn bộ thông tin chi tiết về người bệnh được nhập vào máy trong quá trình khám, chữa bệnh.

Có thể hình dung, khi người bệnh siêu âm khối u, hình ảnh khối u đó sẽ được máy tính Watson phân tích kỹ càng các đặc điểm như hình dáng, độ dày của thành khối u, có chứa dịch hay không… Đối chiếu với kiến thức liên quan đã được lưu trữ trên hệ thống, máy sẽ đưa ra đánh giá về tính chất khối u, có bao nhiêu phần trăm khả năng là u ác tính để bác sỹ có thêm thông tin hỗ trợ chẩn đoán bệnh.

Ngoài ra, với những thông tin cá nhân khác của bệnh nhân như biểu hiện lâm sàng, tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình, các chỉ số cơ thể, kết quả các xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh, tiền sử dị ứng…, máy tính Watson sẽ “lục lọi” kho dữ liệu về ung bướu - những kiến thức, tư liệu được giới chuyên môn thừa nhận là đáng tin cậy nhất - để đưa ra gợi ý phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh.

Điều đáng nói là tuy phải xử lý một lượng dữ liệu khổng lồ, toàn bộ quá trình phân tích và trả kết quả kể trên chỉ diễn ra trong vòng 2 phút. Giá mỗi giao dịch (một lần tương tác trên máy bằng cách cung cấp một dữ liệu và yêu cầu phân tích) chỉ khoảng 2.000 đồng. Mỗi bệnh nhân cần bao nhiêu giao dịch cho một lần khám/điều trị là điều chỉ xác định được khi áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên theo đại diện IBM Việt Nam, tổng chi phí chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các kỹ thuật chẩn đoán công nghệ cao khác.

Với hệ thống chẩn đoán, điều trị ung thư bằng công nghệ điện toán biết nhận thức, việc đưa ra phác đồ điều trị sẽ đáp ứng một tiêu chuẩn rất cao mà y học đang hướng tới, đó là mỗi người bệnh cần một phác đồ riêng biệt thực sự phù hợp với họ, bởi mỗi cá thể đều là tồn tại duy nhất.

Trong tương lai gần, khi dịch vụ giải mã toàn bộ bản đồ gene người sẽ trở thành đại trà do chi phí giảm mạnh, phù hợp với khả năng chi trả của số đông, thông tin giải mã gene này sẽ được máy tính Watson rà soát, phân tích và đưa ra báo cáo về khả năng mắc ung thư của cá nhân đó, hoặc nếu đã mắc ung thư thì máy cũng coi bản giải mã gene như một dữ liệu để gợi ý phác đồ điều trị trở nên chính xác hơn.