Từ cuối tháng 9 đến nay, hơn 300 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện Nhi đồng 1, tăng gấp 3 lần so với tháng 8, nhiều bé bệnh nặng độ 3-4.

Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng Phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số trẻ nhập viện vì tay chân miệng đang tăng nhanh, bắt đầu từ mùa tựu trường đến nay. Vào tháng 8 khoảng 80 trẻ nhập viện một tuần, đến giữa tháng 9 đã lên đến 150 trẻ và những tuần cuối tháng 9 tăng lên 300 bệnh nhi. Có hơn 10 bé mắc tay chân miệng nặng độ 3, 4.

1

Trẻ nhập viện vì tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: Lê Phương.

Theo các bác sĩ khoa nhiễm, đỉnh của dịch tay chân miệng thường vào tháng 10 và 11. Hiện mới đầu mùa dịch nhưng số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng, các phụ huynh nên cảnh giác.Triệu chứng tay chân miệng thường là sốt nhẹ 2 ngày, hết sốt thì bỏng miệng, có bé bỏ ăn sau đó nổi mẩn, bóng nước. Trẻ sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều, ngủ giật mình chới với là có triệu chứng bị tay chân miệng. Một số trẻ bị run tay chân, nổi bóng, nổi vân, tay chân lạnh là dấu hiệu quá nặng, có biến chứng.Có bé không sốt nhiều, lở miệng, nổi bóng nước, qua ngày thứ 3-4 thì diễn tiến nặng hơn rất nhanh.

Gia đình có trẻ mắc bệnh thì phải báo ngay với trường để nhà trường kịp thời khử trùng, vệ sinh lớp học đề phòng dịch bệnh lây lan cho học sinh khác. Trẻ bị nhiễm cần phải cách ly đến trường tối thiểu 10 ngày.Có thể phòng ngừa bệnh bằng cách vệ sinh nơi ở, rửa tay dưới vòi nước, rửa bằng xà phòng để virus trôi đi.

Cùng với bệnh tay chân miệng, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh chóng khiến các bệnh viện nhi ở TP HCM rơi vào tình trạng quá tải nhất trong vòng 10 năm qua. Các bé phải nằm 2-3 cháu trên một giường, nằm cả dưới sàn và hành lang bệnh viện.