Công nghệ sản xuất thành phần ho gà vô bào còn rất mới và “hái ra tiền” nên không hãng nào chuyển giao. Vì thế, Việt Nam đang nỗ lực tự nghiên cứu phát triển công nghệ này để bào chế vắcxin 6 trong 1 với kỳ vọng có thành phẩm trong năm 2018.


Tự sản xuất vắcxin 6 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não mủ Hib, bại liệt) để chủ động trong công tác tiêm chủng là mục tiêu lớn của ngành y tế Việt Nam. Dự kiến việc nghiên cứu, sản xuất sẽ hoàn thành trong năm 2017-2018 và vắcxin thương phẩm sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2020. Việc đáp ứng tiến độ này đang gặp không ít thử thách.

a

“Mắc kẹt” ở công nghệ vô bào

Vắcxin 6 trong 1 made in Vietnam là một kế hoạch tham vọng nhưng được đặt rất nhiều niềm tin, bởi sản xuất vắcxin là một thế mạnh của Việt Nam khi so sánh với mặt bằng chung của thế giới. GS-TSKH Nguyễn Thu Vân - nguyên Giám đốc Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1, một trong những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này - cho biết, hiện Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ sản xuất vắcxin như: Bất hoạt, giảm độc lực, cộng hợp, tái tổ hợp, giải độc tố, tiểu đơn vị… Đây là những công nghệ nền có thể áp dụng vào sản xuất nhiều loại vắcxin khác nhau và cũng là công nghệ tiên tiến trên thế giới, đang được sử dụng tại nhiều hãng lớn.

Tuy vậy, việc làm chủ những công nghệ hiện đại nhất vẫn là khó khăn lớn với Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến khả năng chủ động cung ứng vắcxin phòng bệnh, đặc biệt là với dự án sản xuất vắcxin 6 trong 1. Theo GS Thu Vân, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ trình độ cao cho nhiệm vụ này đang là một thách thức không nhỏ. Cụ thể, trong 6 thành phần của vắcxin này, Việt Nam đã sản xuất thành công và được cấp phép 3 thành phần là bạch hầu, uốn ván và viêm gan B. Công việc sản xuất hai thành phần viêm màng não mủ (Hib) và bại liệt bất hoạt (IPV) cũng đã hòm hòm, đã đi đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Ho gà vô bào là thành phần duy nhất chưa “có hình hài”, cũng là yếu tố gây đau đầu nhất cho các nhà khoa học.

“Thành phần ho gà vô bào chỉ mới ở giai đoạn nghiên cứu phát triển. Đây là vướng mắc khó giải quyết nhất hiện nay vì là công nghệ mới, không nơi nào trên thế giới đồng ý chuyển giao cho Việt Nam” - GS Nguyễn Thu Vân chia sẻ.

Lý giải thêm về điều này, TS Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên vắcxin và sinh phẩm số 1 - cho biết, Việt Nam vốn đã có thành tựu nghiên cứu vắcxin phối hợp như vắcxin 3 trong 1 của Viện IVAC Nha Trang gồm 3 thành phần là bạch hầu, ho gà, uốn ván. Tuy nhiên, việc phát triển vắcxin nhiều thành phần hơn không phải dễ dàng. Từ năm 2010, Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) bắt đầu tài trợ vắcxin 5-6 trong 1 cho Việt Nam, nhưng họ không đồng ý chuyển giao công nghệ; trong khi nhu cầu của người dân về vắcxin phối hợp 5-6 thành phần ngày một tăng, các nhà sản xuất trong nước chưa kịp đáp ứng.

“Với vắcxin ho gà vô bào, ở thời điểm này Việt Nam chưa có điều kiện nhận chuyển giao bởi giá quá đắt và bên sở hữu công nghệ cũng chưa muốn nhượng bản quyền. Không có cách nào khác, chúng ta phải tự nghiên cứu, tự phát triển công nghệ mới. Điều này cũng giúp chúng ta tự chủ được công nghệ và giá thành sẽ giảm nhiều” - TS Đạt nói. Ông cũng cho biết thêm, với khả năng của Việt Nam hiện nay, ngay chuyện tự chủ vắcxin phối hợp có thành phần ho gà toàn tế bào cũng đã không đủ, phải nhờ GAVI tài trợ thêm. Việc chuyển đổi sang thành phần ho gà vô bào vì thế là một thách thức rất lớn.


Trộn các thành phần không phải chuyện đơn giản

Theo các chuyên gia, vấn đề ho gà vô bào không phải là “tảng đá chắn đường” duy nhất trong hành trình sản xuất vắcxin 6 trong 1 của Việt Nam. Ngay cả khi đã có đủ 6 thành phần đạt chuẩn, việc phối hợp chúng trong chế phẩm cũng là một bài toán khó.

Theo TS Đỗ Tuấn Đạt, sản xuất vắcxin phối hợp không đơn giản chỉ là tìm cách nghiên cứu, bào chế các thành phần rồi trộn chúng lại với nhau. Việc phối trộn các kháng nguyên cần có quy trình công nghệ đặc biệt mà hiện nay Việt Nam chưa nắm bắt được.

GS Nguyễn Thu Vân cũng nhấn mạnh, công nghệ phối trộn các vắcxin thành phần hiện nay là bí quyết của các hãng sản xuất lớn và họ chưa có ý định nhượng “cần câu cơm” này.

“Việc học công nghệ phối hợp đó không phải là dễ. Chúng tôi phải tiếp cận từng bước, từ 4 trong 1 đến 5 trong 1 rồi mới lên 6 trong 1. Khi tạo được vắcxin thành phần thì phải đánh giá từng vắcxin đó có khả năng phối hợp hay không. Đấy là mặt công nghệ. Ngoài ra còn vấn đề cơ sở vật chất cũng rất quan trọng. Đối với sản xuất vắcxin, cơ sở vật chất phải đáp ứng được yêu cầu mới và thay đổi thường xuyên, quy định ngặt nghèo, kinh phí cực lớn” - ông Đỗ Tuấn Đạt nói.
Hiện trên thế giới chỉ có hai hãng GSK (Bỉ) và Sanofi (của Pháp) sản xuất được vắcxin 6 trong 1. Sự hạn hẹp về nguồn cung khiến cho nhu cầu vắcxin phối hợp của người dân không được đáp ứng một cách ổn định, gây nên cơn khát vắcxin dịch vụ suốt mấy năm qua.

“Trong năm vừa rồi, nhu cầu tăng lên, các hãng GSK và Sanofi cũng chuyển đổi từ vắcxin ho gà toàn tế bào sang vắcxin ho gà vô bào. Vắcxin mới này được nhiều nước đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng nên họ phải mở rộng quy mô nhà máy, nhưng không thể đáp ứng đủ ngay lập tức, gây thiếu hụt. Tình trạng thiếu vắcxin dịch vụ ở Việt Nam cũng có lý do như vậy” - ông Đạt lý giải.