Cuộc họp trước Tết Nguyên đán Bính Thân với sự tham gia của nhiều nhà khoa học đã chốt phương án xử lý xác cá thể rùa Hoàn Kiếm (cụ rùa) là bảo quản lâu dài. Tuy nhiên, cách bảo quản như thế nào vẫn chưa rõ.


Theo PGS.TS Hà Đình Đức, người có nhiều năm theo dõi cụ rùa, trước Tết Nguyên đán Bính Thân, thành phố Hà Nội đã họp bàn xử lý xác cụ rùa với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, các ban ngành của thành phố Hà Nội. Phương án bảo quản lâu dài xác cụ rùa đã được thống nhất và chốt lại.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội xác nhận thông tin trên. Ông cho biết Hội đồng khoa học của thành phố đã họp lần một để tìm phương án xử lý xác cụ rùa. Dự kiến sẽ bảo quản lâu dài.

GS Hà Đình Đức tiếp cận cụ rùa Hồ Gươm.
GS Hà Đình Đức tiếp cận cụ rùa Hồ Gươm.

Theo PGS Đức, các nhà khoa học đã đề xuất ba phương án là bảo quản ướt (ngâm xác rùa trong hóa chất), bảo quản khô hoặc làm tiêu bản.

Theo PGS.TS Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, việc bảo quản xác rùa là việc làm phổ biến trên thế giới, không phức tạp về kỹ thuật. Hai phương án được dùng phổ biến là bảo quản khô và bảo quản ướt. Bảo quản ướt bằng cách xây dựng bể chứa, ngâm mẫu vật trong cồn. Ưu điểm của phương pháp này là mẫu vật được bảo quản nguyên trạng, nằm trong bể nên gần gũi với điều kiện ngoài tự nhiên, chi phí rẻ, yêu cầu kỹ thuật không phức tạp. Mẫu vật được bảo quản lâu dài, có thể phục vụ để làm các nghiên cứu khác như phân tích gene, bảo tồn gene.

Theo TS Vũ Ngọc Thành, người có kinh nghiệm làm tiêu bản rùa, nếu bảo quản ướt thì dùng cồn bơm vào các bộ phận nhiều cơ của cụ rùa, sau đó định hình con vật và ngâm vào trong cồn. Phương án này phải thay cồn thường xuyên. Khi ngâm mẫu vật trong cồn một số dịch, mùn có thể tiết ra nên phải rửa bể thường xuyên.

Phương án bảo quản khô, theo PGS Lê Xuân Cảnh, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, chế tác phải đảm bảo, không làm hư hại, việc bảo quản phải đáp ứng một số điều kiện. Còn phương án làm tiêu bản, theo TS Vũ Ngọc Thành, đầu tiên phải lấy hết nội tạng, sau đó bơm thuốc chống thối vào chỗ có nhiều cơ, tiếp đó là sấy và bôi thuốc chống mốc. “Trong quá trình sấy, diềm thịt ở mai dễ bị teo lại. Để tránh việc này người ta thường dùng vật liệu nhân tạo để làm giống miếng thịt đó và tạo màu hình khối”, tiến sĩ Thành nói. Thông thường các nhà khoa học sẽ không tạo hình bộ yếm mai của rùa mà chỉ tạo hình tay, chân, cổ, đuôi. Quá trình này mất một thời gian.

Theo PGS Hà Đình Đức, việc sử dụng phương án nào trong ba phương án trên còn nhiều tranh luận. Trong đó phương án bảo quản ướt không nhận được sự đồng thuận cao. Việc quyết định phương án cuối cùng sẽ được chốt vào cuộc họp diễn ra thời gian tới.

TS Lê Xuân Rao cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang làm tờ trình phương án xử lý xác cụ rùa lên UBND Hà Nội. Sắp tới sẽ tổ chức cuộc họp của hội đồng khoa học lần nữa để cân nhắc. Phương án cuối cùng sẽ dựa vào kết luận của thành phố.

Trước đó, cụ rùa được phát hiện chết vào khoảng 16h30 ngày 19/1/2016 ở phía gần đường Lê Thái Tổ. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp ngay sau đó và thống nhất phương án chuyển xác cụ rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Hiện xác cụ rùa vẫn đang lưu giữ tại phòng lạnh của bảo tàng, chờ xử lý.