Các nhà khoa học Israel và Singapore phát hiện chất làm ngọt nhân tạo thay thế đường có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các vi khuẩn tốt trong ruột và gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Ben-Gurion,Negev(Israel) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) kiểm tra độc tính của 6 chất làm ngọt nhân tạo phổ biến đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt bao gồm aspartame, sucralose, saccharin, neotame, advantame và acesulfame potassium-k. Tất cả chúng đang được sử dụng bởi bệnh nhân tiểu đường hoặc những người muốn cắt giảm lượng đường tiêu thụ. Các nhà khoa học cũng kiểm tra 10 loại thực phẩm bổ sung cho người chơi thể thao có sử dụng chất làm ngọt nhân tạo.

Để tiến hành thí nghiệm, nhóm nghiên cứu cho các loại vi khuẩn đường ruột tiếp xúc với 6 chất làm ngọt nhân tạo nói trên. Những vi khuẩn này đã bị biến đổi gene để chứa hợp chất huỳnh quang, có khả năng phát sáng khi phát hiện độc tố.


Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Molecules vào tháng 9/2018, các vi khuẩn tốt trong ruột đã giải phóng độc tố khi chúng tiếp xúc với mỗi chất làm ngọt nhân tạo trong phòng thí nghiệm.Chỉ cần 1mg/ml chất làm ngọt nhân tạo cũng đủ để biến vi khuẩn có lợi thành vi khuẩn độc hại.

“Đây là bằng chứng cho thấy, việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo ảnh hưởng xấu đến hoạt động của vi khuẩn trong ruột, qua đó gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe”, Ariel Kushmaro, thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học Quốc gia thuộc Đại học Ben – Gurion, Negev (Israel), cho biết.

Vi khuẩn đường ruột đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của một người. Hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn và tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, các vi khuẩn gây hại có liên quan đến một loạt căn bệnh khác nhau, từ béo phì cho đến bệnh đường ruột, thậm chí ngay cả bệnh Alzheimer.

Hiện nay, chất làm ngọt nhân tạo được sử dụng rộng rãi trong các loại thực phẩm và đồ uống không đường hoặc ít đường. Nhiều người trong số chúng ta đang tiêu thụ chúng mà không hề nhận ra. Một số nhà khoa học cảnh báo rằng, chất làm ngọt nhân tạo đang nổi lên là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với nước ngầm và nước uống.

“Kết quả của nghiên cứu này có thể giúp hiểu được độc tính của chất làm ngọt nhân tạo và tác động tiềm tàng của nó đối với cộng đồng vi khuẩn trong ruột cũng như môi trường sống”, Kushmaro nói.