Việt Nam đã tiệm cận được hầu hết các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị y khoa hiện đại trên thế giới, bao gồm lĩnh vực khám, chữa ung thư. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh.
GS-TS Mai Trọng Khoa - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - cho biết như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo Khoa học và Phát triển.
Làm chủ công nghệ hiện đại
Thưa Giáo sư, những thành tựu mới về khoa học - công nghệ (KH&CN) gần đây đã thay đổi chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và chẩn đoán, điều trị ung thư nói riêng ở Việt Nam như thế nào?
Các tiến bộ KH&CN hiện đã bao phủ hầu hết các chuyên ngành trong y tế, cả về nghiên cứu, chẩn đoán, điều trị và sàng lọc. Rất nhiều kỹ thuật, phương tiện hiện đại của thế giới đã được ứng dụng vào Việt Nam.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực xét nghiệm, rất nhiều máy móc, thiết bị, hóa chất giúp phát hiện những thay đổi rất nhỏ trong cơ thể, những biến đổi mà trước đây chúng ta rất khó phát hiện. Việc phát hiện những chất có hàm lượng rất thấp (như các nội tiết tố) cực nhỏ cỡ 1 phần triệu, 1 phần tỷ gram trước kia là điều rất khó khăn, trong khi sự tăng - giảm rất nhỏ của chúng có thể gây ra vấn đề rất lớn cho sức khoẻ.
Trước đây, chúng ta không có kỹ thuật giúp phát hiện bệnh nhân ung thư có đột biến gene hay không nên rất khó khăn trong việc chỉ định dùng các thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị đích cho từng cá thể. Điều đó hiện nay đã được khắc phục.
Có thể nói với ung thư, hầu như những kỹ thuật hiện đại mà thế giới có, Việt Nam đều đã tiệm cận được, đặc biệt là các kỹ thuật bức xạ ion hóa - dùng năng lượng bức xạ để chẩn đoán hoặc can thiệp. Ứng dụng cụ thể là chụp cắt lớp nhiều dãy đầu dò, chụp mạch, xạ trị, xạ phẫu, xạ trị áp sát, điện quang can thiệp, miễn dịch phóng xạ... hiện đại không thua kém các nước trong khu vực. Các kỹ thuật cấy hạt phóng xạ hoặc sử dụng hạt vi cầu phóng xạ để chữa ung thư đã ứng dụng thành công.
Phương pháp miễn dịch rất mới cũng đã được áp dụng ở Việt Nam - nghĩa là chúng ta giúp cơ thể chủ động tấn công tác nhân gây bệnh, với các kỹ thuật điều trị miễn dịch chuyên sâu. Một kỹ thuật rất khó cũng đã được các bác sỹ Việt Nam làm chủ, đó là điện quang can thiệp, dùng thiết bị hình ảnh để định hướng sửa chữa những phần bị bệnh.
Do đó, rất nhiều trường hợp trước đây phải ra nước ngoài mới chữa được thì nay có thể điều trị trong nước, tiết kiệm rất nhiều chi phí, đem lại cơ hội điều trị cho những người không dư dả về kinh tế.
Ngoài ra, thời gian gần đây đã có các bệnh nhân từ một số nước châu Á (như Thái Lan) đến Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện tuyến trung ương khác của Việt Nam để điều trị. Tôi cho đây là một tín hiệu tốt, chứng tỏ chúng ta đã làm chủ và tiệm cận được các kỹ thuật cao, tạo hình ảnh tốt trong cộng đồng y học quốc tế.
Ứng dụng một cách sáng tạo
Giáo sư đánh giá thế nào về trình độ của các nhà khoa học, bác sỹ Việt Nam cũng như đóng góp của họ trong việc phát triển các công nghệ mới phát hiện và điều trị ung thư?
Để ứng dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát hiện và điều trị ung thư trên thế giới, các bác sỹ, kỹ sư về vật lý hạt nhân, các kỹ thuật viên, điều dưỡng... đều phải được đào tạo bài bản. Thực tế với những con người đó, thiết bị đó, đã rất nhiều bệnh nhân được cứu, giúp cho quá trình chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam ngang tầm thế giới.
Các bác sỹ Việt Nam có khả năng thích ứng và sáng tạo khi tiếp cận các kỹ thuật, công nghệ mới. Chẳng hạn, kỹ thuật mổ u não bằng dao gama quay - vốn chỉ được áp dụng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên vì kết cấu thiết bị không cho phép làm cho bệnh nhân nhỏ hơn.
Chúng tôi đã liên hệ với cơ sở sản xuất dao gamma quay ở nước ngoài để chế tạo riêng công cụ đó, đồng thời phải có phối hợp với những chuyên khoa khác để có thể điều trị thành công u não cho trẻ dưới 5 tuổi, trong khi ngay cả nhà sản xuất cũng chưa đặt ra vấn đề sử dụng thiết bị của mình cho đối tượng này. Nghĩa là, các bác sỹ Việt Nam đã căn cứ trên thực tế để làm sao cho công cụ, kỹ thuật mình tiếp nhận phù hợp hơn với bệnh nhân của mình.
Với tư cách là một nhà khoa học, một bác sỹ, theo ông cần có những điều kiện gì để việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khám, điều trị ung thư trở nên hiệu quả hơn?
Có nhiều khó khăn trong việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào Việt Nam. Thứ nhất, để cập nhật công nghệ mới cũng như mua sắm các trang thiết bị hiện đại, cần đầu tư lớn vì đều phải nhập từ nước ngoài, có những máy chỉ một số quốc gia độc quyền sản xuất nên giá rất cao. Rất may Nhà nước hiện đã nguồn kinh phí để hỗ trợ mua trang thiết bị. Thứ hai là nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh còn nhiều khó khăn.
Nhưng cái yếu nhất là nguồn nhân lực. Cần chiến lược cụ thể đào tạo nhiều chuyên gia sâu về lĩnh vực này, đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế để tiệm cận công nghệ mới, tiếp xúc với những nhà khoa học hàng đầu để chia sẻ, trao đổi. Có như vậy mới đảm bảo những công nghệ chẩn đoán, điều trị tiên tiến nhất đến được với bệnh nhân Việt Nam và với nhiều địa phương hơn, thay vì chỉ tập trung ở vài thành phố lớn.