Can thiệp nội mạch là kỹ thuật quan trọng tạo ra những bước đột phá trong việc điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch, thần kinh, gan, thận.
Cha đẻ của kỹ thuật can thiệp nội mạch được cho là Charles Dotter (1920-1985). Ngày 16/1/1964, Dotter cùng cộng sự Melvin Judkins lần đầu tiên cấy thành công ống thông mạch qua da - còn gọi là kỹ thuật nong động mạch - từ chân trái của một bệnh nhân.
Năm 1974, Andreas Grüntzig (Thụy Sĩ) phát triển loại ống thông có bóng đỡ - còn gọi là bóng nong động mạch - có khả năng làm dãn nở động mạch ngoại vi. Năm 1981, giá đỡ lòng mạch (stent) chính thức ra đời.
Kỹ thuật nong động mạch vành cùng việc đặt stent đã tạo ra cuộc cách mạng trong điều trị bệnh tim mạch. Chỉ riêng tại Mỹ, trong vòng 3 năm - từ 1994-1997, số ca được can thiệp nội mạch đã tăng từ 90.000-200.000.
Từ năm 2000-2003 tại Mỹ, tỷ lệ điều trị EVIs tăng từ 2,4-8,1%, việc dùng stent tăng từ 12-30%, tỷ lệ dùng endograft (cấy đoạn mạch nhân tạo) tăng từ 1-37%. Đặc biệt, tỷ lệ thành công của can thiệp nội mạch là 89,7%, cao hơn so với việc can thiệp bằng phẫu thuật.
Ngoài ra, can thiệp nội mạch còn tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu các chấn thương so với phẫu thuật. Đây được xem là kỹ thuật bổ sung quan trọng cho các thủ thuật can thiệp trong điều trị. Nó góp phần đáng kể vào việc điều trị chấn thương mạch máu ngoại biên, chứng minh được tính hiệu quả trong việc kiểm soát các thiệt hại và tình trạng chảy máu của bệnh nhân chấn thương nặng.
Minh Nhân (Tổng hợp)