Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học bang New York (State University of New York) ở Fredonia đã thực hiện xét nghiệm 250 mẫu chai của 11 nhãn hiệu nước uống, từ đó phát hiện ra sự tồn tại của vi hạt nhựa trong 93% mẫu, với mật độ trung bình khoảng 325 hạt trên 1 lít nước.
Phát hiện trên dường như là một lời cảnh báo đối với sự an toàn và sức khỏe của con người. Tuy nhiên, báo cáo đã không được gửi để xuất bản trên các tạp chí khoa học, quy trình cần thiết để có những đánh giá chuyên sâu về phương pháp và kết quả của nghiên cứu bởi những nhà khoa học độc lập khác - theo như thông tin trên website của Orb Media, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu, điều tra về các vấn đề môi trường trên phạm vi toàn cầu, thông qua báo chí và các dữ liệu khoa học. Vì vậy, đại diện của Orb Media cho biết: “Hậu quả của những vi hạt nhựa đối với sức khỏe con người là chưa rõ ràng”.
Theo tiêu chuẩn của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (National Oceanic and Atmospheric Administration, hay NOAA), các vi hạt nhựa có chiều dài khoảng dưới 5 mm - cỡ bằng hạt vừng hay nhỏ hơn thế - và có thể tìm thấy ở nhiều nguồn, giống như các vi sinh vật vẫn hay được phát hiện trong các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
Mỗi năm, con người sản xuất ra khoảng 9 tỷ tấn nhựa, theo Live Science. Nhựa là loại chất thải phổ biến nhất có trong đại dương trên khắp thế giới. Và vì các vi hạt nhựa rất nhỏ cho nên khó có thể loại bỏ chúng hoàn toàn bằng những phương pháp thu gom, phân loại và tách lọc thông thường. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra có thể tìm thấy vi hạt nhựa ở hầu hết mọi môi trường trên Trái đất cũng như trong ruột của nhiều loại chim biển và sinh vật biển, theo NOAA.
Cũng theo báo cáo trên, vi hạt nhựa cũng rất phổ biến trong nước uống đóng chai. Nhóm nghiên cứu cho biết, bất kể phát hiện này có được xác nhận bởi các nhà khoa học hay không, thì nguy cơ về sức khoẻ do chúng gây ra còn lâu mới được biết đến hết và điều này còn tùy thuộc vào lượng vi hạt đã được hấp thụ và thời gian tồn tại của chúng trong ruột người.