Sau đây là những biểu hiện mẹ bầu cần đi khám cấp tốc trước khi quá muộn - các bạn hãy lưu ý ngay.

Nôn ói quá nhiều

Đây là vấn đề thường không mấy được quan tâm, bởi thông thường bà bầu nào cũng buồn nôn, nôn do nghén ngẩm giai đoạn đầu mang thai với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, trường hợp mẹ bầu bị nôn quá nhiều, đi kèm các dấu hiệu như chóng mặt, môi khô nhợt nhạt, sụt cân nhanh, sốt,... thì cần phải khám bác sĩ ngay vì rất có thể em bé đang gặp vấn đề "trục trặc" nào đó. Hơn nữa, tình trạng nôn quá nhiều cũng khiến mẹ bầu dễ kiệt sức, mất nước, mất cân bằng điện giải,... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và em bé.

dau-hieu-thai-nhi-gap-nguy-hiem

Ngứa

Cảnh báo nguy cơ: Ứ mật trong gan

Ngứa toàn thân và đặc biệt là ngứa ở vùng bụng, lòng bàn tay hay ngón chân kết hợp với da bị vàng là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ứ mật trong gan. Hội chứng này có thể gây ra ngạt thai, sinh non, thai lưu, băng huyết sau sinh… Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn không nên chủ quan xem thường cảm giác ngứa khi mang thai.

Tăng huyết áp và phù nề

Cảnh báo nguy cơ: Huyết áp cao khi mang thai

Triệu chứng cao huyết áp thường xuất hiện ở khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Phụ nữ lớn tuổi mang thai lần đầu có nguy cơ bị cao huyết áp gấp 5 lần so với những phụ nữ trẻ hơn. Cao huyết áp thường khiến mẹ bầu bị trướng gan, chức năng gan bất thường và luôn ở trang thái ý thức mơ hồ… Điều này ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi, làm tăng tỉ lệ dị tật, đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Thai nhi có dấu hiệu bất thường

Cảnh báo nguy cơ: Thai nhi bị thiếu oxy.

Thông thường, từ tuần thứ 18, thai nhi bắt đầu phát triển ổn định, mỗi ngày vào buổi sáng, trưa, tối đều vận động trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Thai đạp từ 3 lần trở lên trong một giờ đồng hồ hoặc 30 lần trong 12 giờ đồng hồ chứng tỏ thai nhi có sức khỏe tốt. Nếu chưa đạt được con số này, có thể thai nhi đang bị thiếu oxy, trong trường hợp thai chỉ đạp ít hơn 10 lần trong 12 giờ đồng hồ thì nguy cơ này là rất cao. Người mẹ cần đến bệnh viện ngay lập tức.

Đau bụng, chảy máu

Giai đoạn đầu mang thai, mẹ có thể bị ra máu nhẹ - 1 vài đốm/vệt nhỏ màu nâu hay hồng nhạt ở đáy quần lót - đây là 1 trong những dấu hiệu mang thai sớm. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy bụng dưới đau âm ỉ 1 bên, thỉnh thoảng đau nhói kèm ra máu đen, ít và không đông thì có thể là dấu hiệu thai ngoài tử cung. Ngoài ra, nếu mẹ bị ra máu, đau dọc bụng dưới thì có thể bị dọa sẩy. Vào cuối thai kì, hiện tượng ra máu cũng có thể là triệu chứng nhau tiền đạo. Vì vậy, trong bất cứ trường hợp nào bị chảy máu âm đạo, có/không kèm đau bụng đều cần được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Xuất huyết âm đạo, ra sữa sớm

Thông thường, vào những tháng cuối thai kì mẹ bầu có thể thấy 1 chút sữa màu vàng, đặc sánh - gọi là sữa đầu. Điều đó không có gì bất ổn. Nhưng nếu mẹ bị chảy sữa kèm chảy máu âm đạo và đau bụng thì cần đến bệnh viện ngay lập tức vì rất có thể là dấu hiệu rối loạn nồng độ prolactin trong máu, gây ảnh hưởng tới chức năng nhau thai. Đây là dấu hiệu rất nguy hiểm, vì vậy mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý.

Đau đột ngột ở tử cung

Nếu cơn đau xuất hiện đột ngột ở tử cung sau đó lan ra quanh bụng, lưng (có thể lan xuống bắp chân); cơn đau kéo dài, tử cung căng cứng,... thì cần lập tức đến bệnh viện; đây có thể là triệu chứng "bong nhau non" rất nguy hiểm với mẹ và bé (có thể gây tử vong).