“Cập nhật chẩn đoán và điều trị sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu não” là chủ đề của hội thảo khoa học do Hội Thần kinh học Hà Nội tổ chức ngày 23/9 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. (Nguồn: nutraingredients.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: nutraingredients.com)
Đây là dịp để các nhà khoa học trong nước và nước ngoài chia sẻ, cập nhật các kiến thức, kỹ thuật trong điều trị bệnh sa sút trí tuệ và đột quỵ não.

Giáo sư-tiến sỹ Lê Văn Thính, Chủ tịch Hội Thần kinh Hà Nội, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai cho biết sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu là loại sa sút trí tuệ thường gặp đứng thứ hai sau bệnh Alzheimer và là bệnh phổ biến nhất ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sa sút trí tuệ mạch máu thường gặp ở tuổi dưới 65 và thường gặp ở nam giới hơn phụ nữ; bệnh tăng lên theo độ tuổi; tỷ lệ mắc mới bệnh sa sút trí tuệ ở bệnh nhân đột quỵ cao.

Thống kê cho thấy, tại châu Âu có khoảng 1-2% người mắc bệnh; ở Nhật Bản có khoảng 1,5-3% người mắc bệnh; tại Trung Quốc tỷ lệ này là 1% và ở Việt Nam là 3,6%...

Các biểu hiện thường gặp của bệnh là giảm trí nhớ nặng, suy giảm ngôn ngữ, mất nhận biết đồ vật... Nguyên nhân của bệnh mạch máu là do rối loạn máu não và yếu tố mạch máu nguy cơ dẫn đến nhồi máu não, teo não gây suy giảm nhận thức nhẹ và sa sút trí tuệ.

Theo ông Lê Văn Thính, sa sút trí tuệ mạch não có thể phòng và điều trị nếu được chẩn đoán sớm từ giai đoạn suy giảm nhận thức nhẹ và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ mạch máu. Để điều trị bệnh hiệu quả, các nghiên cứu lâm sàng quốc tế trên bệnh sa sút trí tuệ, đặc biệt là sa sút trí tuệ mạch máu cần tiến hành thêm trong tương lai để khẳng định tác dụng của các thuốc.

Phó Giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Y dược Thái Nguyên nêu rõ đột quỵ não là tình trạng rối loạn khu trú chức năng não. Bệnh xuất hiện nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Vì vậy điều trị sớm sau khi mắc bệnh đóng vai trò rất quan trọng.

Nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của Cerebrolysin trong điều trị bệnh nhân đột quỵ thiếu máu cục bộ cấp tỉnh” trên các bệnh nhân bị đột quỵ não điều trị nội trú tại khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tập trung vào các chỉ tiêu như tuổi, giới, thời gian bị bệnh; các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng; đánh giá sự suy giảm nhận thức trước và sau điều trị; tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị.

Kết quả cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nam mắc bệnh cao gấp 2,45 lần so với nữ giới; bệnh nhân bị nhồi máu diện vừa và nhỏ chiếm 71%; các triệu chứng thường gặp là đau đầu, chóng mặt, co giật, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn cơ vòng...

Các bệnh nhân sau khi được điều trị theo phác đồ gồm sử dụng các thuốc như hạ áp, chống phù não, an thần và dùng Cerebrolysin (10ml x 1 ống/ngày) tiêm tĩnh mạch cho thấy các triệu chứng lâm sàng (liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn cơ vòng) được cải thiện rõ rệt...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Chẩn đoán và điều trị bệnh sa sút trí tuệ, phục hồi chức năng sau đột quỵ não, suy giảm chức năng sau đột quỵ, các nghiên cứu can thiệp điều trị và dự phòng.