Việc dành nhiều thời gian ở ngoài trời trong độ tuổi từ 14-29 sẽ giúp giảm nguy cơ cận thị. Đó là kết quả nghiên cứu vừa công bố của nhà khoa học Katie Williams - Đại học Hoàng gia London, Anh.

Nhóm của Williams đã tiến hành khảo sát 371 người mắc cận thị - bệnh có tỷ lệ mắc tăng đáng kể trên khắp thế giới trong vài thập kỷ qua - và 2.797 người không bị cận thị. Những người tham gia nghiên cứu đều 65 tuổi trở lên.

Ánh sáng mặt trời có tác dụng tốt cho mắt. Ảnh: Spectator

Kết quả cho thấy, những người tiếp xúc nhiều với bức xạ tia cực tím B (UVB) của Mặt trời ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên (từ 14-29) có thể gặp nguy cơ cận thị thấp hơn 30% so với những người ít tiếp xúc với ánh nắng.

“Nghiên cứu này cho thấy việc tiếp xúc với UVB có liên quan tới việc giảm cận thị ở tuổi trưởng thành” - các nhà khoa học cho biết. Tuy nhiên, họ vẫn chưa có cách giải thích hợp lý cho phát hiện này. Mặc dù khoa học đã chứng minh rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ giúp tăng vitamin D - một chất có lợi cho mắt, nhưng mối liên hệ giữa vitamin D và cận thị lại chưa được tìm ra.

Ông Donald Mutti - Đại học Optometry bang Ohio, Mỹ - cho biết: “Nhiều nhà khoa học cho rằng ánh sáng tự nhiên ở ngoài trời giúp giải phóng nhiều dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh trong các vùng não điều chỉnh hành động, cảm xúc, nhận thức, động cơ và cảm giác vui thích - từ võng mạc. Và dopamine làm chậm sự lão hóa của mắt, ngăn ngừa cận thị”.

Mặc dù vẫn khuyên các bậc phụ huynh khuyến khích con cái dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời, nhưng các chuyên gia vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của các phương tiện bảo vệ như mũ, kem chống nắng, kính râm...