Quá trình chiên thức ăn làm sản sinh các chất gây ung thư. Ảnh: Wikiwand
“Khi thức ăn được làm nóng ở nhiệt độ cao, các hợp chất mới ra đời, bao gồm cả những chất có hại sức khỏe” - GS Raj Bhopal - trưởng nhóm nghiên cứu - giải thích. Khi thức ăn được nấu với lửa lớn, các chất ô nhiễm được hình thành hoặc tăng lên, trong đó có các axít béo chuyển hóa.
Đây là những protein hoặc chất béo trải qua quá trình glycosyl hóa phi enzyme khi tiếp xúc với các loại đường. Những chất này sau đó có sự thay đổi về sinh hóa và vi sinh, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành.
Tập quán chế biến thức ăn ở nhiệt độ cao rất phổ biến tại Nam Á. Thực tế, tỷ lệ mắc bệnh tim ở các nước tại khu vực này như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Bhutan, Maldives và Sri Lanka cao gấp 4 lần mức chung.
Theo một nghiên cứu trước đây, tỷ lệ mắc bệnh tim của người Pakistan là cao nhất, tiếp đến là người dân Ấn Độ. Người Trung Quốc có tỷ lệ mắc bệnh tim thấp nhất.
Bằng cách so sánh bữa ăn của người Ấn Độ và người Trung Quốc, GS Bhopal nhận thấy sự khác biệt rất lớn trong chế biến. Trong khi người Trung Quốc chế biến thức ăn bằng nhiều cách như luộc, chiên và xào thì người Ấn Độ chủ yếu là chiên. Nghiên cứu cho thấy rằng việc chiên rán ở nhiệt độ cao có thể khiến dầu ăn lành mạnh trở thành không lành mạnh.
GS Bhopal cũng khuyên mọi người nên dùng dầu ô liu để thay thế nhiều loại dầu khác vì nó không quá nóng khi nấu.