Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân xuất hiện căn bệnh ung thư, bên cạnh các yếu tố khó có thể kiểm soát như gen di truyền, yếu tố môi trường sống, còn có nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư khác như lối sống, thói quen, sử dụng thực phẩm không an toàn, hoặc sử dụng thuốc không hợp lý ... đều có thể dẫn đến căn bệnh nguy hiểm này. Người ta đã thống kê được rằng, phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn nhiều lần so với người có cân nặng trung bình và thấp. Những phụ nữ vì phải điều trị bệnh nào đó mà dùng nhiều thuốc nội tiết tố nữ cũng làm gia tăng nguy cơ phát bệnh ung thư vú.
Mỗi loại ung thư có các yếu tố nguy cơ khác nhau, nhưng có một số yếu tố như béo phì, hút thuốc lá, uống rượu..., thường xuất hiện ở rất nhiều loại bệnh ung thư. Đây là những nguyên nhân hàng đầu và phổ biến dẫn con người đến bệnh ung thư, tuy nhiên chúng có thể dễ dàng kiểm soát được nếu mỗi người có ý thức phòng bệnh.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư
Một trong những yếu tố nguy cơ cao và quan trọng hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư là tiếp xúc với khói thuốc lá. Thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới người hút mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh, người “hút thuốc lá thụ động”- tức là bị hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng sức khỏe như người hút thuốc trực tiếp. Theo thống kê tại Mỹ, mỗi năm có tới 3.000 bệnh nhân ung thư tử vong có liên quan tới hút thuốc thụ động. Có hàng nghìn chất khác nhau trong khói thuốc, trong đó có hơn 40 loại hóa chất có thể gây ra các bệnh ung thư.
Mặc dù hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi, đây là loại ung thư gây tử vong hàng đầu thế giới ở cả nam và nữ, thuốc lá còn gây ra nhiều căn bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư vùng đầu, cổ, ung thư thực quản, dạ dày, tụy, đại tràng, gan, thận, bàng quang và cổ tử cung.
Chế độ dinh dưỡng sai dẫn tới ung thư
Dinh dưỡng được cho là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn tới ung thư. 1/3 các trường hợp ung thư ở Mỹ có liên quan tới dinh dưỡng không hợp lý như béo phì. Bên cạnh nguy cơ ung thư do béo phì là hệ quả của việc thừa dinh dưỡng, chế độ ăn quá nghèo nàn, không đủ chất kết hợp với thiếu vận động thể chất cũng có thể gây ung thư. Khi bị béo phì, người bệnh dễ mắc ung thư vú, tử cung (nhất là phụ nữ sau tuổi mãn kinh), hay ung thư đại tràng, thực quản, thận, và túi mật.
Béo phì là căn bệnh của thời đại, ngày càng nhiều người mắc bệnh này, đặc biệt là thanh thiếu niên. Đây chính là một yếu tố nguy cơ gây ra nhiều loại ung thư nguy hiểm, khó điều trị như ung thư máu hay các loại u ở gan, tuyến tụy và dạ dày.
Sử dụng đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ gây ung thư
Các nghiên cứu khoa học đã kết luận, tiêu thụ rượu quá mức là một yếu tố nguy cơ chính phát sinh ra bệnh ung thư. Ở người nghiện rượu, có thể mắc ung thư vùng đầu, cổ, gan, thực quản và vú.
Các bệnh truyền nhiễm có thể dẫn tới ung thư
Một số căn bệnh truyền nhiễm mắc phải làm tăng nguy cơ ung thư ở người. Ví dụ như phụ nữ mắc bệnh phụ khoa do virus HPV dễ dẫn tới ung thư cổ tử cung. Các nhà khoa học cho biết, 95% trường hợp ung thư cổ tử cung do virus HPV gây ra, ung thư cổ tử cung là ung thư hay gặp và đứng thứ 4 trong các loại ung thư ở phụ nữ.
Một số loại virus gây viêm gan như viêm gan B, C, E .... là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh xơ gan và ung thư gan. Chính vì vậy những người mắc viêm gan thường được khuyến cáo kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện ung thư gan. Hay như virus HP (Helicobacter pylori) gây bệnh viêm dạ dày dẫn tới ung thư dạ dày sau này. Một số nghiên cứu mới còn chỉ ra mối liên quan giữa sự phát triển của ung thư hạch với virus HIV gây suy giảm miễn dịch của con người.
Tiếp xúc với thuốc, hóa chất, bức xạ
Tiếp xúc với một số loại thuốc, hóa chất hay các bức xạ ... trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh làm tăng nguy cơ ung thư. Có một số hợp chất tồn tại ngay trong môi trường sống của chúng ta như khí radon, xuất hiện ở những vết nứt sàn nhà, có thể làm con người mắc ung thư. Hay như asen trong nước sinh làm cho người sử dụng có nguy cơ mắc ung thư da và phổi.