Tháng trước, WHO đã từ chối tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tuy nhiên, số ca mắc đã tăng đáng kể trong vài tuần qua, khiến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phải đưa ra mức báo động cao nhất cho dịch bệnh này vào ngày 23/7.
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cần quan tâm trên toàn cầu (PHEIC) được WHO định nghĩa là “một sự kiện bất thường được xác định là gây rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan dịch bệnh ra toàn cầu và có thể cần phải có một động thái phối hợp mang tầm quốc tế".
Kể từ năm 2009, WHO đã 7 lần ban bố tình trạng này, lần lượt là đại dịch cúm H1N1, bệnh bại liệt, dịch bệnh Ebola, dịch virus Zika, dịch virus COVID-19 và đến ngày 23/7 vừa qua là bệnh đậu mùa khỉ.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết trong cuộc họp báo rằng Ủy ban khẩn cấp của WHO đã họp vào thứ Năm để xem xét các thông tin mới nhất, nhưng các chuyên gia không đạt được đồng thuận về việc liệu bệnh đậu mùa khỉ có phải trường hợp khẩn cấp hay không. Rốt cuộc, TS. Tedros - với tư cách là người đứng đầu WHO - đã quyết định phá vỡ thế bế tắc bằng cách ban bố PHEIC.
“Nhìn chung, đợt bùng phát đã nhanh chóng lan ra khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiện vẫn chưa hiểu rõ”, ông giải thích về quyết định của mình. Bên cạnh đó, căn bệnh cũng đã đáp ứng các tiêu chí trong quy định y tế quốc tế. “Vì tất cả những lý do này, tôi đã quyết định rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu chính là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cần được quốc tế quan tâm".
Tuy nhiên, ông cho biết thêm, nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu đang ở mức “vừa phải", còn ở châu Âu là mức độ "cao".
Tính đến ngày 23/7, trên thế giới đã có 16.016 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ, theo số liệu của WHO. Căn bệnh đang hiện diện ở 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đã có năm trường hợp tử vong. Khu vực châu Âu có tổng số ca mắc cao nhất, lên đến 11.865 trường hợp và mức tăng cao nhất trong bảy ngày qua (tính từ ngày 23/7) với 2.705 trường hợp.
Tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết “còn rất nhiều việc phải làm”. Theo bà, toàn thế giới cần hành động để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó mọi người sẽ có những phương án bảo vệ mình khỏi các phương thức lây lan. “Đây là cách để chúng ta chấm dứt đợt bùng phát này”.
Đậu mùa khỉ là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người. Bệnh đậu mùa khỉ thường thấy ở Trung Phi và Tây Phi nơi có nhiều rừng nhiệt đới và là nơi các loài động vật có thể mang virus thường sinh sống. Đôi khi vẫn có một số ca mắc đậu mùa khỉ ở các nước khác ngoài Trung Phi và Tây Phi, nhưng đợt bùng phát mới nhất là trường hợp hiếm chưa từng được ghi nhận.
Bệnh cạnh châu Âu - khu vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, các quốc gia ở những khu vực khác như Mỹ, Canada, Úc, Nigeria, Israel, Brazil và Mexico - đều đã ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Việt Nam thuộc nhóm các nước chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ
Hiện tại Việt Nam được WHO xếp vào nhóm 1 - Các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày.
Với các quốc gia thuộc nhóm 1, WHO khuyến cáo kích hoạt hoặc thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Bộ Y tế và các ban ngành khác để tăng cường sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ người sang người. Chính phủ cần lập kế hoạch thực hiện các biện pháp can thiệp để tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với các cá nhân hoặc nhóm người cảm nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ. Mục tiêu là ngăn ngừa sự lây truyền âm thầm của virus đậu mùa khỉ trong cộng đồng.
Trọng tâm của những can thiệp này là khuyến khích người dân tự khai báo và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh. Việt Nam cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận kịp thời với dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu; thiết lập và tăng cường giám sát dịch tễ học bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm khả năng tiếp cận các xét nghiệm chẩn đoán chính xác, đáng tin cậy và giá cả hợp lý, đưa bệnh đậu mùa khỉ như một phần của hệ thống giám sát quốc gia hiện tại.
Nguồn: