Trong lễ công bố cuộc thi chiều 24/7 tại Hà Nội, ông Phùng Văn Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel - cho biết: “Sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng IoT hiện nay đến từ 2 yếu tố.
Thứ nhất là chi phí sản xuất thấp, chỉ cần nhóm startup nhỏ từ 2-4 người là đủ tạo ra sản phẩm trong thời gian ngắn. Thứ hai là sự phát triển Internet và các thiết bị thông minh như smartphone, tablet, smart-TV. Tại cuộc thi này, 2 yếu tố trên sẽ gặp nhau, bởi Viettel có lợi thế về hạ tầng, kinh nghiệm triển khai và vốn đầu tư, luôn sẵn sàng tiếp sức cho các startup.
Từ trái qua: Ông Đỗ Hoài Nam, Tống Viết Trung và Phùng Văn Cường chia sẻ thông tin về cuộc thi “Vietnam IoT Hackathon 2017”. Ảnh: Tuấn Kiệt
Theo đó, các startup có thể nộp dự án xoay quanh các vấn đề về nhà xưởng thông minh, nông nghiệp thông minh, năng lượng thông minh, bán lẻ thông minh, thiết bị đeo thông minh, tự động hóa, thành phố thông minh, an ninh, sức khỏe, sản xuất thông minh. Với các chủ đề này, tính đột phá và tính sáng tạo, mô hình kinh doanh và ứng dụng thực tế là các tiêu chí hàng đầu để đoạt giải.
Diễn ra từ ngày 26/7-30/9/2017, “Vietnam IoT Hackathon 2017” sẽ trải qua các vòng sơ loại, vòng đào tạo - tư vấn, vòng phản biện và vòng chung kết. Sau 2 vòng đầu, 15 đội sẽ được tham gia vòng phản biện để chọn ra 4 đội có dự án xuất sắc nhất thi vòng chung kết tại TPHCM vào ngày 29-30/9. Trong vòng 48 giờ, các thành viên trong mỗi nhóm phải phối hợp ăn ý, làm việc tập trung với cường độ cao để hoàn tất sản phẩm.
Ông Tống Viết Trung - Phó Tổng giám đốc Viettel - cho biết, qua quá trình trao đổi với ông Đỗ Hoài Nam - CEO Up Co-working Space, Viettel quyết định tổ chức cuộc thi này với mục tiêu thúc đẩy quá trình sáng tạo của thanh thiếu niên, sinh viên, cộng đồng để cùng chung tay sáng tạo xây dựng đất nước.
“Qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn tìm ra được các tài năng trẻ, những dự án tiềm năng để Viettel tiếp tục chương trình đầu tư cho khởi nghiệp, góp sức để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp” - ông Trung nói.