Chiều 16/10, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bản ghi nhớ được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan.
Mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp của cả hai nước
Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sắp được ký kết và có hiệu lực trong thời gian tới, mở ra cơ hội hợp tác và thị trường rộng lớn đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp của cả hai nước Việt Nam và Phần Lan. Trong đó, hợp tác về nghiên cứu, công nghệ và đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng để biến cơ hội và tiềm năng hợp tác đó thành hiện thực, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Với bản ghi nhớ hợp tác mới ký kết này, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp KH&CN của hai nước sẽ có thêm cơ hội tham gia các dự án chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu chung và thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên nguyên tắc hợp tác hai bên cùng có lợi.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä ký kết hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Ngũ Hiệp
Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä cũng khẳng định, bản ghi nhớ này sẽ thúc đẩy thêm mối quan hệ giữa hai Chính phủ cũng như kết nối doanh nghiệp của hai quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi tin rằng Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn cũng như mang lại những tác động tích cực cho các doanh nghiệp. Để có thể giải quyết những vấn đề toàn cầu, tôi mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa các viện, trường, doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới. Lễ ký kết hợp tác giữa hai bộ là minh chứng và cam kết cụ thể để hai bên cùng sát cánh thực hiện Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan và giải quyết vấn đề toàn cầu. Đồng thời, việc ký kết bản ghi nhớ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như xúc tiến cho các chương trình hợp tác thành công hơn nữa giữa Chính phủ hai nước”- ông Mika Lintila nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã có buổi làm việc với đoàn Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan về các tiềm năng và cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Theo đó, các lĩnh vực về đổi mới sáng tạo và công nghệ cao mà Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn ưu tiên hợp tác với Phần Lan bao gồm: Công nghệ kỹ thuật số và các công nghệ xuyên ngành mới nổi như AI, dữ liệu lớn, tự động hóa, IoT; công nghệ y dược; năng lượng; công nghệ sạch và xử lý chất thải; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các thiết chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, các trường đại học của Phần Lan để triển khai các dự án hợp tác nghiên cứu chung và xây dựng năng lực, kể cả các dự án R&D quy mô lớn cần công nghệ và chuyên gia Phần Lan.
Dấu ấn hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan
Hợp tác với Phần Lan về KH&CN và đổi mới sáng tạo là một trong các ưu tiên của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam bởi Phần Lan là quốc gia luôn ở top đầu thế giới trong các xếp hạng về đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và mức độ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam và đã có đóng góp quan trọng tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Trong đó, IPP 1 (2009-2014) mang tới Việt Nam triết lý hoàn toàn mới về đổi mới sáng tạo - Innovation, giúp Việt Nam thay đổi tư duy về đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm Phần Lan, sử dụng đổi mới sáng tạo như một công cụ phục vụ phát triển.
Còn IPP 2 (2014-2018) đi tiên phong trong việc thúc đẩy sự hình thành và phát triển một xu hướng rất mới và tiến bộ ở Việt Nam - đó là Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (E&I Ecosystem) nơi gieo mầm, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp sáng tạo để phát triển thành đội ngũ doanh nghiệp mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Các kết quả đạt được và tác động mang tính bền vững mà Chương trình IPP2 mang lại cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam rất có ý nghĩa: Từ việc hỗ trợ thiết kế các chính sách lớn của Chính phủ về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng lực cho cán bộ hoạch định chính sách, đào tạo đội ngũ tư vấn khởi nghiệp và giảng viên nguồn cho tới việc thử nghiệm các mô hình mới trong hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học và kết nối doanh nghiệp Phần Lan với thị trường năng động của Việt Nam.
Quan trọng hơn, các bạn trẻ khởi nghiệp, các đối tượng thụ hưởng các hỗ trợ của IPP2 trong 4 năm qua đã và đang trở thành các tác nhân thay đổi (Change Agents) của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, liên kết thành mạng lưới và lan tỏa mạnh mẽ tư duy, văn hóa về đổi mới sáng tạo, tri thức và kỹ năng về khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP2 là nguồn tham khảo quan trọng để các cơ quan, tổ chức Việt Nam ở trung ương và địa phương nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của mình.