Việt Nam sẽ xuất khẩu xe Hyundai cho khu vực Đông Nam Á; Robot đã có cơ bắp giống hệt con người; Google bổ sung biểu tượng cảm xúc nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới... là những tin khoa học công nghệ nổi bật trong ngày 17/07.


Thợ cơ khí chế tạo máy bay trực thăng để...chữa cháy rừng

Ông Lê Văn Thỏa ở thị trấn Quỳ Hợp (Nghệ An) đã chế tạo ra chiếc máy bay gọi là 'trực thăng mini' để dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, tham gia chữa cháy rừng. Chiếc máy bay dài 3,5 m, cao 2,7 m, điểm rộng nhất của thân là 2,2 m, quạt nâng nằm trên đỉnh máy bay có độ sải cánh 5 m, đuôi có in hình lá cờ tổ quốc...

Theo thiết kế, khi cất cánh thành công, máy bay có thể đạt độ cao tối đa 300 m, tốc độ tối đa theo tính toán có thể đạt 100 km/h và nhiên liệu để hoạt động liên tục trong 3 giờ. Máy bay cũng có thể mang được khoảng 2 tạ vật dụng đi theo. Ước tính chi phí khi hoàn thiện máy bay là 120 triệu đồng. Hiện tại, ông Thỏa cho rằng máy bay đã hoàn thiện 70% và chạy thử ở “đường băng” và chạy thử tốc độ 70 km/h trên đường. (XEM THÊM)

Ông Thỏa trên chiếc máy bay.

Việt Nam sẽ xuất khẩu xe Hyundai cho khu vực Đông Nam Á

Chiếc xe Hyundai Grand i10 đang được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của Hyundai Thành Công sẽ trở thành chiếc xe đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực. Hiện nhà máy này đang hoàn thiện kế hoạch đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất xe Hyundai để xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á. Tiếp đó là việc xây dựng thêm một nhà máy nữa có công suất 120.000 xe/năm và có thể nâng công suất lên tới 240.000 xe/năm. (XEM THÊM)


Hyundai Thành Công có kế hoạch đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuât xe Hyundai của khu vực. Ảnh: Hyundai

Nhà Trắng cam kết ủng hộ 400 triệu USD cho phát triển 5G

Nhà Trắng công bố ủng hộ cho hoạt động nghiên cứu mạng 5G với số tiền lên đến 400 triệu USD, và điều này sẽ được dẫn dắt bởi Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF). Dự án nghiên cứu 5G của Mỹ được đưa ra nhằm xây dựng 4 nền tảng thử nghiệm với kích thước quy mô thành phố trong vòng 10 năm tới. Trong thông báo, chính quyền nhắc lại rằng Mỹ là quốc gia đầu tiên phát quang phổ băng tần 24 GHz cho mạng 5G, được cho là nhanh hơn đến 100 lần so với 4G.
NSF cam kết hỗ trợ 50 triệu USD trong 5 năm tới như là một phần của tổng vốn đầu tư trị giá 85 triệu USD của các công ty trong việc xây dựng khái niệm nền tảng 5G, bắt đầu từ năm tài chính 2017. (XEM THÊM)

Ông Obama đang quan tâm đến việc đẩy mạnh phát triển công nghệ 5G tiên tiến.

Google bổ sung biểu tượng cảm xúc nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới

Các biểu tượng cảm xúc hình nữ giới, với nhiều màu da khác nhau, được Google phát triển để đưa lên các thiết bị Android và các phương tiện khác, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.Gần đây, Tiểu ban Công nghệ Unicode Emoji đã chấp thuận bổ sung thêm 11 biểu tượng cảm xúc chuyên môn mới, trong cả hai giới tính cùng tất cả các tông màu da. Tổng cộng có hơn 100 biểu tượng cảm xúc mới. Ngoài ra, Unicode cũng bổ sung thêm 33 biểu tượng cảm xúc hiện tại của cả nam và nữ. (XEM THÊM)

Ảnh minh họa.


Camera 360 độ nhỏ nhất thế giới ra mắt

Với chiều cao 46mm và trọng lượng chỉ 96g, chiếc camera 360 độ 'Nico360' của hãng Indiego đang giữ kỷ lục camera nhỏ nhất thế giới. Nico360 được trang bị 2 cảm biến Sony 16-megapixel và 2 ống kính riêng rẽ. Chiếc camera này có thể quay video 360o ở độ phân giải rất cao (2,560 x 1,440p), và có thể lưu video trực tiếp trên ổ lưu trữ trong 32GB của camera hoặc phát trực tiếp qua thiết bị Android hoặc iOS bằng Wi-Fi.

Chiếc camera siêu nhỏ của Indiego còn hỗ trợ phát lại video 360 độ trên web và hỗ trợ các thiết bị đeo thực tế ảo (VR). Sản phẩm có giá dự kiến 49,9USD, không bao gồm các phụ kiện như tai VR, chân máy…, và sẽ tới tay người dùng vào tháng 10 tới đây. (XEM THÊM)

Nico360.

Robot nông dân sẽ thay thế con người trên cánh đồng

Người máy chăn súc vật, trồng trọt và lái xe kéo để thu hoạch nông sản đang sắp sửa thống lĩnh các cánh đồng. Những robot này được kì vọng là tương lai của ngành nông nghiệp.

Điển hình, SwagBot – một người máy cao bồi ở Úc – được chế tạo với chi phí thấp, nhưng cực kì mạnh mẽ. Robot này được sử dụng để làm việc ở những nông trại rộng lớn và có thảm đất dày ở Úc và có thể chăn súc vật, tìm đường đi quanh các chướng ngại vật như rãnh nước, đầm lầy, khúc gỗ và những thứ thường có trong một nông trại điển hình. Hay robot hái bông cải xanh của trường ĐH Lincoln đang được phát triển và có thể nhận diện bông cải với độ chính xác lên đến 95%. Robot hái bông cải xanh sử dụng một máy quay 3D từ bảng điều khiển game của Microsoft Kinect. (XEM THÊM)

Robot có thể thu hoạch nông sản ở. Ảnh: ĐH Lincoln

Robot đã có cơ bắp giống hệt con người

Với mục tiêu tạo ra robot trông "giống người" hơn, nhóm khoa học ở viện nghiên cứu Suzumori Endo Robotics Laboratory tại Học viện công nghệ Tokyo đã tiến thêm một bước trong việc chế tạo ra thiết bị mô phỏng bộ phận cơ thể người. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra một bộ xương người cùng hệ thống cơ bắp nhân tạo giống như "hàng thật" và hệ thống cơ bắp có thể giãn nở khi phản ứng với dòng điện. Theo cách này, bộ não điều khiển nó có thể kích thích các nhóm cơ bắp khác nhau một cách tự do để tạo ra cử động phức tạp giống ở cơ thể người.(XEM THÊM)

Ảnh minh họa.

Messenger đã hỗ trợ mã hóa và nhắn tin tự hủy

Facebook đã chính thức bổ sung tính năng mã hóa và tự hủy tin nhắn sau khi người khác đã đọc.Đầu tiên, mở ứng dụng Messenger, chuyển sang thẻ Me > People và kích hoạt tùy chọn End-to-end Encryption.Sau đó người dùng chỉ cần mở một khung trò chuyện bất kỳ, chạm vào biểu tượng chữ “i” ở góc trên bên phải và nhấn Secret Conversations. Các tin nhắn được mã hóa sẽ có màu đen, nếu muốn tin nhắn tự hủy sau khi người khác đã đọc, bạn chỉ cần chạm vào biểu tượng đồng hồ ở góc phải bên dưới. (XEM THÊM)

Ảnh minh họa.

136 nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc đã chết trong 2 năm

Với 445 nhà sản xuất smartphone hoạt động trong năm 2014, nhưng đến cuối năm 2015 con số này chỉ còn 209, điều đó có nghĩa là 136 nhà sản xuất smartphone đã chết chỉ trong 2 năm qua.Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2016, và thậm chí những thương hiệu có tiếng tăm hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do các hãng sản xuất bị cạnh tranh khốc liệt và thị trường cũng không đủ sức chứa để chừa cho mỗi công ty một "miếng bánh”. Nhiều công ty cũng có lực lượng quá mỏng và vốn ít nên chẳng đủ tiền để phát triển những sản phẩm phần cứng hoàn toàn mới cũng như hệ điều hành Android tùy biến cho mình. Đặc biệt, người dân Trung Quốc, nhất là tầng lớp trung lưu và thượng lưu, họ thích iPhone, hoặc Samsung, chứ không phải là hàng trong nước. (XEM THÊM)
Ảnh minh họa.