Dự kiến, năm 2022 Việt Nam sẽ tự sản xuất vệ tinh và trở thành một trong những nước đứng đầu khu vực ở lĩnh vực này.
Những năm qua Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức và nguồn nhân lực một cách hiệu quả để phục vụ cho quá trình phát triển của ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam. Cụ thể, khi mới thành lập, Trung tâm chỉ có 31 cán bộ, nhưng sau 4 năm hoạt động đã tăng lên 132 cán bộ trong đó có 13 tiến sỹ và 47 thạc sỹ.
Nhằm chuẩn bị tốt cho hoạt động của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam với yêu cầu có gần 300 cán bộ chất lượng cao vào năm 2022, VNSC đã liên tục cử các kỹ sư đến 5 trường Đại học Nhật Bản theo học chương trình thạc sỹ công nghệ vũ trụ; tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon 50kg dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Hiện nay nhiều cán bộ đã hoàn thành khóa học và đang công tác tại VNSC để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành Vệ tinh LOTUSat-1
Nhằm chuẩn bị cho tương lai gần với mục tiêu là Việt Nam phải tự đào tạo đội ngũ nhân lực về công nghệ vũ trụ, VNSC đã ký thỏa thuận đào tạo với 3 trường đại học tại Việt Nam (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) về đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ. Bên cạnh đó VNSC cũng ký biên bản ghi nhớ với 5 trường Đại học hàng đầu của Nhật Bản trong việc phối hợp đào tạo Thạc sỹ Công nghệ vũ trụ cho Dự án.
TTVTQG đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1 kg), thời gian tới đơn vị tiếp tục dự án chế tạo NanoDragon (4-6 kg), MicroDragon (10 kg) và LOTUSat (600 kg). Năm 2018, MicroDragon của Việt Nam dự kiến được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa của Nhật Bản.
Theo kế hoạch, năm 2019 vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2020, khi các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh sẵn sàng hoạt động, Việt Nam sẽ tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “made in Vietnam”.
Với hai vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại này, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường.
Ngoài ra, Trung tâm Vệ tinh quốc gia cũng sắp đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học vũ trụ. Đặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đưa vào phục vụ cộng đồng vào năm 2018 góp phần phổ cập kiến thức và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê của những người trẻ, các bạn học sinh sinh viên về công nghệ vũ trụ.
Nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, đưa công nghệ vũ trụ phục vụ thiết thực và có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá và phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho Việt Nam; những năm qua VNSC đã có nhiều mối quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước có nền khoa học công nghệ vũ trụ phát triển hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Israel, …
Ngoài ra, VNSC còn là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế như: Liên đoàn Vũ trụ quốc tế – IAF; Hội đồng Vệ tinh quan sát trái đất – CEOS; Nhóm quan sát trái đất – GEO; Diễn đàn Các cơ quan vũ trụ khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Chương trình học tập và quan sát vì lợi ích môi trường toàn cầu – GLOBE cho học sinh cơ sở và trung học được tài trợ bởi Chính phủ Hoa Kỳ và NASA với hơn 112 quốc gia tham gia…
Trong giai đoạn 2017 – 2022, cùng với việc hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra, VNSC cũng xác định tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ vũ trụ theo định hướng ứng dụng tạo ra sản phẩm thông qua năng lực phát triển của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo 4 lĩnh vực chính gồm: công nghệ vũ trụ; ứng dụng công nghệ vũ trụ; khoa học vũ trụ và vật lý thiên văn; đào tạo đại học và trên đại học; phổ biến kiến thức vũ trụ.