Đây là mục tiêu rất thách thức bởi hiện nay Việt Nam có chưa đến 1 triệu thuê bao chữ ký số cá nhân.
Chữ ký số được hiểu là một loại chữ ký điện tử, thay thế hoàn toàn chữ ký thường bằng tay của cá nhân hay con dấu của cơ quan, doanh nghiệp, và sử dụng trên các thiết bị điện tử. Sử dụng chữ ký số, các cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp sẽ được pháp luật thừa nhận về mặt pháp lý khi thực hiện giao dịch trên môi trường điện tử như ký kê khai thuế, hợp đồng điện tử, giao dịch tài chính.
Người dùng có thể ký số an toàn và hiệu quả, không cần USB token mà chỉ cần thiết bị cầm tay như smartphone, laptop, máy tính bảng… kết nối Internet.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đặt mục tiêu đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ có 10 triệu thuê bao chữ ký số cá nhân.
“Đây là mục tiêu rất thách thức bởi hiện nay Việt Nam có chưa đến 1 triệu thuê bao chữ ký số cá nhân (cụ thể là 784.464 thuê bao)”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhận định tại Hội nghị tập huấn kinh nghiệm quốc tế về triển khai dịch vụ chứng thực chữ kí số và dịch vụ tin cậy
diễn ra vào tuần trước.
Nhìn chung, người dân vẫn còn thói quen ký tay và cảm thấy e ngại với chữ ký số vì cảm thấy môi trường mạng chứa đựng nhiều nguy cơ và thiếu an toàn. Bên cạnh đó, phạm vi các quy định cần sử dụng chữ kí số vẫn còn hẹp.
Các trường hợp bắt buộc sử dụng chữ ký số gồm kê khai thuế, nộp tờ khai, nộp thuế (
Luật quản lý thuế 2019 số 38/2019/QH14); sử dụng hoá đơn điện tử (
Thông tư số 32/2011/TT-BTC); kê khai bảo hiểm xã hội điện tử (
Quyết định 838/QĐ-BHXH). Các trường hợp khác như đăng ký thành lập doanh nghiệp, bổ sung ngành nghề kinh doanh, thay đổi con dấu v.v dù được phép sử dụng chữ ký số nhưng không nằm trong phạm vi bắt buộc.
Chữ kí số tại Việt Nam đang
nằm ở mức tăng trưởng đều, chưa có được điểm bứt phá. Dù vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia đang trở thành chiến lược quan trọng của Việt Nam, đây là thời điểm để phổ biến lợi ích của chữ ký số đến người dân, bởi chữ ký số sẽ góp phần số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và người dân.
Nếu muốn phát triển chữ kí số cá nhân, ông Vijayakumar Manjunatha, Tổng thư ký Hiệp hội PKI châu Á (APKIC) kiêm Chủ tịch Nhóm nghiên cứu về công nghệ và tiêu chuẩn, gợi ý rằng Việt Nam có thể cân nhắc tập trung triển khai hệ thống PKI (Public Key Infrastructure - Hạ tầng khoá công khai). Trong giải pháp chữ kí số, PKI là hệ thống cho phép người dùng trong một mạng công cộng không bảo mật (như Internet) có thể trao đổi thông tin an toàn thông qua việc sử dụng một cặp khóa bí mật và công khai được chứng nhận bởi một CA (tổ chức phát hành và chứng thực các loại chứng thư số) được tín nhiệm.
PKI cho phép người tham gia xác thực lẫn nhau và sử dụng thông tin từ các chứng thực khóa công khai để mật mã hóa và giải mã thông tin trong quá trình trao đổi. Người sử dụng cũng có thể ký các văn bản điện tử với khóa bí mật của mình và mọi người đều có thể kiểm tra với khóa công khai của người đó. PKI cho phép các giao dịch điện tử được diễn ra đảm bảo tính bí mật, toàn vẹn và xác thực lẫn nhau mà không cần phải trao đổi các thông tin mật từ trước.
Theo ông, Việt Nam có thể tham khảo một số quốc gia nổi bật trong ứng dụng PKI như Ấn Độ, các nước Châu Âu và Hàn Quốc. Trong đó, Ấn Độ đã phổ biến chữ ký số vào các lĩnh vực hoạt động hằng ngày như Chính phủ điện tử, ngân hàng, tài chính… Quốc gia này đã có tới hơn 400 triệu người dùng chữ ký điện tử, trong đó đa phần là chữ ký điện tử trực tuyến. Các nước châu Âu thì có kinh nghiệm trong việc phát triển các tiêu chuẩn PKI để đảm bảo sự tin tưởng giữa các bên trong giao dịch. “Còn Hàn Quốc đã sử dụng PKI như là một phương thức chủ yếu để số hóa. Mặc dù hiện tại đã xuất hiện thêm các phương thức mới như nhận dạng trực tuyến nhanh (FIDO), chuỗi khối, Hàn Quốc vẫn đang sử dụng PKI một cách phổ biến", ông cho biết.