Đó là lời khuyên của ông Kim Joon Byong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, Diễn đàn hiện tại và tương lai, Hàn Quốc - tại Diễn đàn quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc chủ đề “Cải cách quốc gia và phát triển bền vững Đông Nam Á” diễn ra ngày 24/3 tại Hà Nội.
Theo ông Kim Joon Byong, ở Hàn Quốc xảy ra một thực trạng: Đất nước này tuy đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển (R&D), có nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản hay nghiên cứu công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất nhưng các nhà khoa học nhận tiền từ ngân sách chính phủ chỉ tập trung vào những đề tài dễ thành công, thời gian nghiên cứu ngắn và né những đề tài khó, cần nhiều thời gian nghiên cứu. “Chính vì vậy mà Hàn Quốc ít có kết quả nghiên cứu được công nhận là công nghệ gốc của thế giới và tỷ lệ thương mại hóa của nó cũng vô cùng thấp”- ông Kim Joon Byong cho hay.
Để phát triển KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, sự hội nhập quốc tế về KH&CN là điều đương nhiên đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Bạch Tân Sinh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hợp tác nghiên cứu chính sách KH&CN, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Bộ KH&CN - trong quá trình hội nhập, chúng ta đã bộc lộ ra khá nhiều điểm hạn chế như: Nhân lực KH&CN chưa đủ năng lực để tham gia hiệu quả vào hoạt động KH&CN quốc tế và khu vực; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trường đại học chưa đủ năng lực và điều kiện xúc tiến mở rộng hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN; hoạt động chuyển giao công nghệ ở doanh nghiệp vẫn còn sơ sài.
Để giải quyết những vấn đề trên, theo ông Sinh, cần tiến hành 3 nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực chủ thể quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế trong KH&CN; phát triển nhân lực KH&CN; và chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu KH&CN.
Nhiều học giả trong diễn đàn đều đồng ý là có một “mô hình Hàn Quốc”. Ở đó, Hàn Quốc đã thực hiện rất nhiều chính sách để đưa nền KH&CN lên tầm cao mới - và Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng. Tiến sỹ Kum Dong Hwa - nguyên Viện trưởng Viện KH&CN Hàn Quốc - chia sẻ: “Việt Nam cần nuôi dưỡng ngành công nghiệp sản xuất, thay đổi cách thức quản lý cọi trọng số bài nghiên cứu khoa học được công bố và số bằng sáng chế như hiện nay sang cách thức lấy trọng tâm cải cách là ứng dụng tri thức và công nghệ vào doanh nghiệp trong ngành công nghiệp trọng điểm. Phải chuyển hóa năng lực nghiên cứu cơ bản của cơ quan nghiên cứu nhà nước thành chiến lược công nghiệp hóa và cuối cùng là cần tạo môi trường phát triển cho KH&CN”.
Hiền Thảo