Theo tính toán của Ban Quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đến năm 2022, số lượng nhân sự cần thiết cho hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 là 2.400 người, trung bình mỗi nhà máy là 1.100 người.
Trong đó, yêu cầu về trình độ đại học là 884 người, cao đẳng nghề là 922 người, lao động phổ thông là 394 người. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng.
Việt Nam đang thiếu nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân. Ảnh: VietNamPlus.
Hiện nay, tại các trường trong nước, mỗi năm chỉ có hơn 150 sinh viên tốt nghiệp, ngành điện hạt nhân sẽ thiếu nhân lực trầm trọng. Theo thống kê của ngành giáo dục và đào tạo thì những năm gần đây, phần lớn sinh viên theo học chuyên ngành điện hạt nhân tại các cơ sở đào tạo đều xét tuyển qua nguyện vọng 2. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của xã hội đối với ngành này không cao.
Giới chuyên gia cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư Nhà máy ĐHN Ninh Thuận, cần có các giải pháp hữu hiệu để các cấp, các ngành cùng vào cuộc trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề nhân lực cho việc phát triển các nhà máy điện hạt nhân.
Ngoài ra, cần đổi mới công tác quảng bá, tuyên truyền nghề nghiệp và có chính sách thu hút, cơ chế ưu đãi tài năng, nhân lực phục vụ trong ngành điện hạt nhân. Đồng thời, cần thành lập Trung tâm đào tạo kỹ sư công nghệ điện hạt nhân. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực điện hạt nhân, đổi mới các tài liệu, chương trình giáo dục về điện hạt nhân nhằm phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, EVN cần tăng cường hợp tác quốc tế trong việc sử dụng chuyên gia và đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm chất lượng và an toàn trong xây dựng, sản xuất điện hạt nhân. Cần áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động theo từng công việc như nguồn nhân lực để xây dựng nhà máy, nguồn chuyên gia nghiên cứu triển khai và xử lý kỹ thuật, quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân, nhân lực cho giáo dục và đào tạo lĩnh vực điện hạt nhân.
Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân - Tiến sĩ Võ Văn Thuận cho biết, tháng 8/2010, Chính phủ đã thông qua Đề án 1558 ưu tiên đào tạo nhân lực trong lĩnh vực hạt nhân, với mục tiêu mỗi năm có khoảng 260 học viên chuyên ngành hạt nhân vào học tại 7 trường đại học trong nước hoặc du học tại các nước tiên tiến. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thực hiện Đề án còn chậm, số lượng và chất lượng tuyển chọn học viên đi đào tạo còn chưa đáp ứng kế hoạch.