Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã nhấn mạnh: đối với Việt Nam, những công việc liên quan đến vũ trụ mới chỉ là những bước đi đầu tiên, song Việt Nam hiểu rằng đã đến lúc phải nghiên cứu khoảng không vũ trụ và sử dụng những thành tựu trong nghiên cứu vũ trụ vào phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ như: biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết, định vị các hoạt động của tàu thuyền trên vùng biển...
Dù là vấn đề rất mới ở Việt Nam đặc biệt là với những người làm KH&CN mới tiếp cận những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Công nghệ Vũ trụ đến năm 2020.
Lễ ký thỏa thuận hợp tác GLOBE giữa Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam (VAST) với Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) tại Hà Nội.
Qua 5 năm tổ chức việc thực hiện chiến lược, với sự ra đời của Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, đặc biệt là chương trình Quốc gia nghiên cứu về công nghệ vũ trụ có thể nói một số viện nghiên cứu, trường đại học đã nhanh chóng tiếp cận được với công nghệ mới, đã có được kết quả đáng mừng. Có thế kể đến đến một số thành tựu như: 2 vệ tinh thông tin Vinasat-1, Vinasat-2 và vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 đang hoạt động theo đầy đủ thông số kỹ thuật; Dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đang được gấp rút thực hiện.
Bên cạnh những dự án trên, Việt Nam rất chú trọng đến vấn đề pháp luật liên quan đến Công nghệ Vũ trụ với việc đẩy mạnh tham gia các Công ước, Điều ước quốc tế về Công nghệ Vũ trụ và hoàn thiện khung pháp lý tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.
Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Tổng giám đốc Cơ quan hàng không và Không gian Hoa Kỳ (NASA), ông Charles F. Bolden vào giữa tháng 12/2012 đã cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ và cam kết hợp tác của Mỹ đối với việc phát triển công nghệ vũ trụ của hai quốc gia.
Thể hiện rõ nhất trong sự hợp tác này là ngày 9/12/2015, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác Chương trình học tập và quan sát toàn cầu (GLOBE) với NASA.
GLOBE là chương trình khoa học giáo dục thực hành quốc tế với mục đích giúp học sinh, giáo viên, nhà khoa học và thành viên cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường, hiểu biết về văn hóa và cộng đồng toàn cầu.
Phiên đối thoại lần 2 về Dự thảo Hiệp định khung Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình
GS.VS Châu Văn Minh, Chủ tịch VAST nhấn mạnh, Chương trình GLOBE là một trong số rất nhiều hoạt động hợp tác giữa VAST và NASA kể từ năm 2011 đến nay. Trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học của VAST và NASA đã có những hoạt động trao đổi song phương và triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể. Trước đó, VAST cũng đã ký bản tuyên bố chung hợp tác khoa học và hoạt động hàng không và vũ trụ dân dụng với NASA, bao gồm các lĩnh vực: trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất; xác định vị trí cho hệ thống trắc địa không gian và hệ thống vệ tính thám hiểm toàn cầu; nghiên cứu các ứng dụng của khoa học Trái đất vì lợi ích con người; vấn đề phát triển nhân lực trong nghiên cứu viễn thám và ứng dụng công nghệ vệ tinh ở Việt Nam và các hoạt động giáo dục trong đó có chương trình GLOBE.
Ngoài việc hợp tác phát triển nhân lực, liên quan đến lĩnh vực không gian vũ trụ, hai bên đang nỗ lực trao đổi để tiến tới ký kết Hiệp định Khung về hợp tác sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình trong thời gian sớm nhất. Cuối tháng 12/2015, Phiên đối thoại lần thứ 2 về Dự thảo Hiệp định khung Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình đã được tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN.
Thông qua Phiên đối thoại, nhiều thách thức được đặt ra đối với việc hoàn thiện khung pháp luật của Việt Nam để có thể hội nhập quốc tế một cách sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, đặc biệt là sự cần thiết đối với việc Việt Nam sớm tham gia các Điều ước của Liên hợp quốc trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ cũng như xây dựng Luật Vũ trụ quốc gia. Được biết, kế hoạch tổ chức Phiên đối thoại tiếp theo tại thủ đô Washington DC trong năm 2016.
Hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thực sự bắt đầu từ năm 2000 với việc hai nước ký Hiệp định hợp tác KH&CN nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton sang Việt Nam, mở ra thời kỳ mới về hợp tác KH&CN giữa hai quốc gia. Chuyến thăm Việt Nam lần này của TTObama sẽ hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là lĩnh vực vũ trụ. Tiềm năng và cơ hội hợp tác đang mở rộng.