Sáng 25/4, Bộ KH&CN đã tổ chức trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019 và 2020 cho 116 doanh nghiệp, và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019 cho 4 doanh nghiệp.
Tại buổi lễ, trong tổng số
116 doanh nghiệp đạt giải năm 2019 và 2020, có 40 doanh nghiệp đã được trao Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Theo đó, Sao Thái Dương, ACECOOK Việt Nam, Dược phẩm Nam Hà, Sữa TH, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Yến Sào Khánh Hòa, Hoa Sen, Sơn Hà,... là một số doanh nghiệp tiêu biểu đã được nhận giải thưởng này.
Đặc biệt, có 4 doanh nghiệp Việt Nam được đề cử tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) đã đạt giải, đó là: Tổng Công ty Viglacera CTCP (Hà Nội); Công ty Cổ phần KIZUNA JV (tỉnh Long An); Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á (Hà Nội); Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử – điện lực miền Trung – chi nhánh Tổng Công ty điện lực miền Trung (Đà Nẵng).
Với việc áp dụng khoa học - công nghệ và các công cụ quản lý tiên tiến, bốn công ty này đều đang đi đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình. Trong đó, công ty Viglacera là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu ứng dụng vật liệu xanh; công ty Tân Á là một trong những tập đoàn hàng đầu trên thị trường trong sản xuất hàng kim khí, gia dụng, thiết bị ngành nước tại Việt Nam; Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử – điện lực miền Trung – chi nhánh Tổng Công ty điện lực miền Trung là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông để phục vụ công tác quản lý và kinh doanh điện năng; còn công ty KIZUNA JV - công ty chuyên cho thuê nhà xưởng xây sẵn và các dịch vụ hỗ trợ vận hành doanh nghiệp có liên quan tại Long An và TPHCM - giúp nhà đầu tư sớm đưa dự án sản xuất kinh doanh đi vào hoạt động và phát triển bền vững.
Đánh giá về chất lượng giải thưởng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, đây là hệ thống giải thưởng rất khắt khe từ các tiêu chí đầu vào, phải qua nhiều vòng xét duyệt, kết hợp cả hệ thống tự chấm điểm, chuyên gia đánh giá, kiểm tra thực địa và có hiệp y với UBND các tỉnh/thành, địa phương nên “có thể nói, kết quả xét chọn rất khách quan và minh bạch, các doanh nghiệp được trao giải đều là các doanh nghiệp tiêu biểu, thể hiện được tinh thần đổi mới sáng tạo trong các sản phẩm và dịch vụ của mình”.
Ông nhận định, thực tiễn tại nhiều quốc gia thành công đã cho thấy chất lượng là một yếu tổ nền tảng để phát triển doanh nghiệp, do vậy chúng ta cần nhận thức rằng năng suất - chất lượng phải là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, “nếu vận dụng và phát huy hiệu quả, chất lượng sẽ là bệ phóng vững chắc để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hoá nhiều cơ hội và thách thức”.
“Chúng ta hãy tin tưởng vào năng lực, bản lĩnh của các doanh nghiệp nước nhà, đặc biệt là các doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ tiếp tục chủ động tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, phát huy sức mạnh, nâng cao vị thế của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong việc thiết lập các chính sách để các doanh nghiệp ngoài việc được tôn vinh trao giải thưởng còn được hưởng các ưu đãi về tiếp cận và phát triển thị trường, nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ đổi mới sáng tạo… từ đó tạo động lực mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là Giải thưởng của Thủ tướng Chính phủ tặng cho những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Giải thưởng được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Bộ KH&CN (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) là đơn vị được giao chủ trì triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hằng năm từ cấp Trung ương đến địa phương. |
Mỹ Hạnh