Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Xây dựng công bố ngày 23/1 tại TPHCM, vùng TPHCM sẽ xây dựng mới 4 tuyến đường bộ, 8 tuyến đường sắt. Trong đó, sẽ xây dựng mới hệ thống đường sắt đô thị TPHCM.

Song song với đó, TPHCM sẽ phát triển các tuyến đường sắt vận chuyển khách nội – ngoại ô; xây dựng 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên.

Được biết, phạm vi Vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TPHCM và 7 tỉnh lân cận gồm: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai,Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng là 30.404 km2. Vùng TPHCM được phân ra thành 4 tiểu vùng, 5 trục hành lang kinh tế trọng điểm và các vùng cảnh quan, hành lang xanh.

Mục tiêu phát triển Vùng thành trung tâm thương mại – tài chính, nghiên cứu khoa học – dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á. Phát triển không gian Vùng theo hướng cân bằng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Trong đó, TPHCM là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức, kinh tế tổng hợp đa chức năng hiện đại ngang tầm với các đô thị trong khu vực Đông Nam Á.

Bà Phan Thị Mỹ Linh trao hồ sơ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM cho ông Trần Vĩnh Tuyến
Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng trao hồ sơ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM cho ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TPHCM

Theo qui hoạch điều chỉnh, Vùng TPHCM sẽ hình thành các khu đại học tập trung với kết cấu hạ tầng đồng bộ; Ưu tiên dành quỹ đất theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia và quốc tế. TPHCM ưu tiên đào tạo đại học và sau đại học ở các ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ; Di dời các cơ sở đào tạo đại học, giáo dục nghề nghiệp không còn phù hợp ra khỏi nội thành thành phố.

Trong định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ tầm quốc tế tại các thành phố: Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Long Thành, Bình Dương, Vũng Tàu và Mỹ Tho. Trong đó, TPHCM, đô thị Bình Dương, Long Thành, thành phố Biên Hòa là cụm tri thức mới. Đồng thời, hình thành trung tâm nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia tại Quận 9, Hóc Môn, Bình Chánh (TPHCM), Thuận An (Bình Dương), Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), thành phố.Mỹ Tho (Tiền Giang), Hậu Nghĩa (Long An).

v
Vùng TPHCM gồm 8 tỉnh thành với tổng diện tích 30.404m2

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đồ án điều chỉnh quy hoạch Vùng lần này đã có sự phân công hợp lý, phù hợp với thế mạnh của từng địa phương trong Vùng. TPHCM không thể phát triển bền vững và tăng trưởng nhanh nếu không có sự liên kết, hợp tác, chia sẻ các khó khăn, thách thức giữa các tỉnh thành trong khu vực.

Ông Tuyến cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch Vùng được phê duyệt là cơ sở pháp lý để TPHCM tiếp tục nghiên cứu, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố, kết nối giao thông với các khu vực giáp ranh tỉnh – thành, các kịch bản về ứng phó biển đổi khí hậu.

“Thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch Vùng lần này, TPHCM sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong Vùng để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, cùng hợp tác, phối hợp đầu tư đồng bộ khép kín các trục đường giao thông vành đai, tạo điều kiện phát triển đồng bộ các vùng đô thị” – ông Tuyến nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trong thời gian tới, các địa phương cần công khai các nội dung quy hoạch trong Quyết định 2076/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, chỉ đạo rà soát việc quy hoạch trên các lĩnh vực chuyên ngành, trên cơ sở đảm bảo đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển Vùng TPHCM đã được Thủ tướng phê duyệt.