Cuộc thi EURAXESS Science Slam ASEAN 2015 dành cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tự giới thiệu những kết quả nghiên cứu của mình cho công chúng sẽ kéo dài từ nay đến ngày 30/9/2015.
Cuộc thi này do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Chương trình Euraxess Researcher in Motion (Euraxess) tổ chức.
Science Slam là một hình thức khoa học giải trí, trong đó các nhà nghiên cứu sẽ thuyết trình trong vòng 10 phút và được đánh giá bởi khán giả vốn không phải là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn. Đây là một cuộc thi thuyết trình dành cho các nhà khoa học trẻ tự giới thiệu những kết quả nghiên cứu của mình cho công chúng.
Ngoài những tiêu chí cơ bản về nội dung, Science Slam khuyến khích các cách trình bày mang tính sáng tạo, giàu thông tin. Điểm nhấn của hình thức này là phổ biến các thông tin chuyên ngành tới công chúng vốn không phải là chuyên gia với phương châm đơn giản, sáng tạo, mang tính giải trí, dễ hiểu.
Cuộc thi dành cho các nhà nghiên cứu Việt Nam đã có bằng thạc sỹ, nghiên cứu sinh tiến sỹ thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau trong lãnh thổ Việt Nam.
Thủ tục và quy trình tham gia rất đơn giản. Người tham gia mạnh dạn trình bày ý tưởng, dự án nghiên cứu của mình với thế giới một cách sáng tạo chẳng hạn như hát, nhảy, thuyết trình, sử dụng các thiết bị hỗ trợ… Sản phẩm dự thi chính là một video clip dài không quá 03 phút trình bày bằng tiếng Anh.
Thời gian để đăng ký tham gia sẽ kéo dài đến ngày 30/9/2015. Người tham gia có thể gửi đĩa VCD, DVD, link Youtube hoặc link các website lưu trữ như Google Drive, Dropbox… tới Ban Tổ chức.
Người chiến thắng cuộc thi EURAXESS Science Slam ASEAN 2015 tại Việt Nam sẽ được lựa chọn để giao lưu, tranh tài với các quốc gia Đông Nam Á vào tháng 11/2015. Ban Tổ chức sẽ tài trợ toàn bộ chi phí đi lại (bằng máy bay), chi phí ăn ở tại Bangkok Thái Lan trong thời gian diễn ra cuộc thi cấp khu vực Đông Nam Á.
Người thắng cuộc cuộc thi cấp khu vực sẽ nhận được phần thưởng là một chuyến tranh tài tại châu Âu và có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các nhà nghiên cứu trẻ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Bắc Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil.
Theo Chinhphu.vn