PGS.TS Hoàng Văn Khoán là người tiên phong nghiên cứu, ứng dụng phương pháp kim tướng học và thực nghiệm lại việc đúc lại lưỡi cày đồng Cổ Loa.

f
PGS Hoàng Văn Khoán trao tặng hiện vật, tài liệu của mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh:Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

Sáng 13/11, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã tiếp nhận khối tài liệu hiện vật gồm hơn 1.000 tài liệu, hiện vật, bản thảo bài viết, bản thảo sách, giáo án gắn liền với quá trình nghiên cứu khoa học, giảng dạy của PGS.TS Hoàng Văn Khoán. Bên cạnh đó, còn có các mẫu tiền cổ, mẫu đá, rìu đá, bộ sưu tập xương cá, xương đầu rùa...

Hơn 30 năm công tác ở trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, PGS Hoàng Văn Khoán trở thành một trong những nhà khảo cổ học có uy tín. Ông từng giữ chức Phó chủ nhiệm khoa Lịch Sử của trường. Trong lĩnh vực của mình, ông là người tiên phong nghiên cứu, ứng dụng phương pháp kim tướng học - một ngành khoa học nghiên cứu về tổ chức và cấu trúc của kim loại và hợp kim vào khảo cổ học Việt Nam. Thông qua đó, ông phát hiện ra kỹ thuật luyện sắt và chế tạo sắt ở khu luyện sắt Nghi Xuân (Hà Tĩnh); khám phá hợp kim đồng thau Việt Nam thời cổ; tìm hiểu kỹ thuật đúc trống đồng Đông Sơn; thực nghiệm quá trình sản xuất sắt thời cổ ở Nho Lâm (Nghệ An); đồng thời đưa ra những giả định được nhiều nhà khoa học chấp nhận về sự xuất hiện gang ở Việt Nam…

Bên cạnh nghiên cứu, PGS Hoàng Văn Khoán còn đóng góp trong lĩnh vực khảo cổ học lịch sử. Cuốn sách Cổ Loa - trung tâm hội tụ văn minh sông Hồng (xuất bản năm 2002) do ông chủ biên đã xác định vị thế quan trọng của Cổ Loa trong quá trình hình thành nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương.

Ngoài ra, ông còn quan tâm đến các lĩnh vực thương nghiệp và khảo cổ học thực nghiệm. Ông đã thực nghiệm lại việc đúc lại lưỡi cày đồng Cổ Loa và tiến hành cày thực nghiệm trên nhiều loại ruộng khác nhau. Kết quả thực nghiệm chứng minh hoàn toàn chắc chắn công dụng của loại hình hiện vật mà trước đó các nhà khảo cổ học còn đang lúng túng không biết gọi là lưỡi cày hay lưỡi cuốc. Cũng từ kết quả này, PGS Hoàng Văn Khoán khẳng định ở Việt Nam đã xuất hiện nông nghiệp cày có lưỡi bằng kim loại và sức kéo bằng động vật.

Từ cuối những năm 1970, PGS Hoàng Văn Khoán đã quan tâm đến lĩnh vực tiền cổ, kiến trúc và điêu khắc, nhưng phải hơn một chục năm sau ông mới thực sự đi sâu vào nghiên cứu và trở thành chuyên gia ở cả hai lĩnh vực. Ông là chủ biên của hai công trình có giá trị: cuốn Sổ tay tiền cổ kim loại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp lưu hành ở Việt Nam từ đầu Công nguyên đến năm 1975 (xuất bản năm 2010) và cuốn Mỹ thuật và kiến trúc Việt Nam truyền thống (xuất bản năm 2019).

Là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học ở Việt Nam, những tài liệu và hiện vật của ông sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình lao động khoa học của PGS.TS Hoàng Văn Khoán, đồng thời làm sáng tỏ các vấn đề chuyên môn về khảo cổ học trong thời gian tới.