Đây là lần đầu cuộc thi được tổ chức và đã thu hút tám đội thi đến từ 6 trường THPT ở Bình Phước, Cà Mau, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TPHCM và TP Thủ Đức.
Chủ đề ở các vòng lần lượt là: giao thông trong thành phố thông minh, nhà hàng tự động trong thời đại bình thường mới, chuỗi cung ứng trong thời đại 4.0.
Ngôi vị quán quân năm nay thuộc về đội 2H2K đến từ trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức). Nguyễn Nam Hoàng, thành viên đội thi, cho biết: “Em đăng kí ngay lập tức khi được cô giáo phổ biến vì đối với em việc tiếp cận với robot là rất khó. Dành thời gian tự mày mò tìm hiểu nguyên lý hoạt động càng khó nữa. Mặc dù không phải lần đầu thi lập trình nhưng cuộc thi của CODE là cuộc thi đầu tiên cho em ứng dụng những kiến thức lập trình khô khan và cũng là lần đầu tiên em thấy mô hình điều khiển robot trực tuyến”.
Trong khi đó, Hoàng Minh Khuê, một thành viên khác của đội, chia sẻ, cuộc thi đã đem đến cơ hội cải thiện khả năng tư duy, ứng biến, làm việc nhóm và xác định giải pháp chiến thuật tốt nhất khi tham gia thi đấu. Khuê cho rằng đó là những điều rất quan trọng và bổ ích cho những cuộc thi trong tương lai.
Điểm chung của các trường tham gia cuộc thi lần này là họ đều đã từng trải nghiệm Phòng thực nghiệm dạy và học từ xa – một sáng kiến của trung tâm CODE từ năm 2019 nhằm cung cấp các lớp học và thực hành lập trình robot miễn phí cho học sinh THPT.
Tính đến nay, CODE đã tổ chức hơn 80 buổi học cho 1.600 học sinh tại 36 trường THPT khắp Việt Nam. Cô Huỳnh Thục Yến, người sáng lập cuộc thi của CODE, cho biết vì hiện nay chưa có sáng kiến nào ở Việt Nam đem đến trải nghiệm lập trình robot trực tuyến và miễn phí trên diện rộng cho các trường trung học trên toàn quốc nên họ đã quyết định tổ chức một cuộc thi như vậy.
Cuộc thi dự kiến sẽ được tổ chức thường niên. Ngoài ra, CODE cũng khuyến khích các trường THCS, THPT tại Việt Nam đăng ký trải nghiệm miễn phí
Phòng thực nghiệm dạy học từ xa để phát triển đào tạo về robotics và tự động hóa.