Sau gần 2 năm xây dựng, Chiến lược sở hữu trí tuệ đã được phê duyệt với kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc các nhóm dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ.
Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH&CN. Nguồn: MOST.
Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) được Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì xây dựng từ năm 2017 với mục tiêu phát triển hệ thống SHTT quốc gia thông qua việc xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu sáng tạo; bảo hộ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và cá nhân.
Để đảm bảo chiến lược thực sự phát huy hiệu quả, Bộ KH&CN đã thiết lập cơ chế hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và mời các chuyên gia ở WIPO sang khảo sát, cùng thảo luận để xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ cho Việt Nam.
Đồng thời, Bộ KH&CN cũng tham vấn ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu cùng Bộ ngành khác.
Dựa trên những định hướng chung của Chiến lược, quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể như sau:
- Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm;
- Số lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tăng trung bình 6 - 8%/năm; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 8 - 10%/năm;
- Số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%/năm, trong đó đăng ký bảo hộ ở nước ngoài tăng 10 - 12%/năm; đưa Việt Nam trở thành trung tâm bảo hộ giống cây trồng,…
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Chính phủ cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp phải tập trung vào hoàn thiện chính sách, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, khai thác và thực thi quyền và hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Bộ KH&CN sẽ là đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện chiến lược và báo cáo định kỳ hằng năm với Chính phủ.
Thanh An