Energy Observer – con tàu chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới đã chọn London, Anh làm một trong những điểm cập bến trong hành trình không phát thải (zero-emission) kéo dài 6 năm vòng quanh thế giới.
Energy Observer có chiều dài 30 mét, khởi hành từ Saint Malo - bờ biển phía tây nước Pháp và đã di chuyển được 18,000 dặm trước khi thả neo tại Cầu Tháp Luân Đôn. Dự kiến Energy Observer sẽ lưu lại London trong 10 ngày, đánh dấu mốc hoàn thành chặng châu Âu. Thủy thủ đoàn cho biết, họ muốn thông qua “phòng thí nghiệm nổi” của mình để chứng minh hoàn toàn có thể giảm lượng phát thải carbon trong vận chuyển bằng đường thủy và nhấn mạnh tính cấp thiết của hành động này trước những hiểm họa từ biến đổi khí hậu.
Dự án Energy Observer được tài trợ bởi Toyota và là con tàu đầu tiên trên thế giới tự tạo nhiên liệu hydro bằng phương pháp sục nước biển trong quá trình di chuyển với tốc độ lên tới 7.12 nút (đơn vị đo tương đương 1 hải lý/giờ hay 1852m/h). Nước sẽ được khử muối trước khi đi qua một máy điện phân, tách phân tử nước thành các phân tử hydro và oxy. Lượng oxy sẽ được giải phóng, trong khi hydro sẽ được nén lại và chứa trong khoang lưu trữ ở hai bên thuyền.
“Nó có thể trữ tới 62kg hydro, tương đương với 2 megawatt - mức năng lượng bình quân một hộ gia đình sử dụng trong một năm”, thành viên Amélie Conty trong đoàn cho biết.
Tàu Energy Observer sẽ lưu lại London trong 10 ngày.
Các nguồn năng lượng tái tạo vẫn thường được coi là nguồn năng lượng không ổn định và không thể phụ thuộc hoàn toàn. Tuy nhiên, các kỹ sư thực hiện dự án đã quyết định dùng năng lượng hydro để lấp đầy khoảng trống này. Các nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng liên tục để sạc pin và giúp tàu chạy. Khi những nguồn năng lượng này không còn đủ dùng, lượng hydro tích trữ trên tàu sẽ được đưa vào để tiếp tục duy trì vận hành.
Tàu chở đoàn gồm 6 thành viên sử dụng 52% năng lượng mặt trời, 42% từ cánh buồm (năng lượng gió) và 6% từ hydro. Con thuyền thực chất đã có tuổi đời 35 năm và thực hiện được một số chuyến đi vòng quanh thế giới trước khi được cải tiến bằng công nghệ mới với chi phí 4.7 triệu USD.
Cánh buồm Oceanwing dài 12m, có thể xoay 360 độ. (Ảnh: Amelie Conty)
Xuất phát từ ý tưởng vận hành một con tàu không phát thải CO2, khí nhà kính hay nhân tố ô nhiễm nào, Conty và các cộng sự đã phục dựng con thuyền bị đánh chìm thành chiếc Energy Observer với cánh buồm dài 12m và xoay được 360 độ (nhằm đón được nhiều gió nhất có thể). Các kỹ sư hy vọng trong tương lai, các cánh buồm được tự động hóa sẽ được lắp đặt trên tàu chở hàng. Khi đó, hiệu suất năng lượng sẽ được tăng lên tới 42%.
Chuyến đi vòng quanh thế giới được thực hiện nhằm phát triển một sản phẩm thương mại, được Conty tin rằng sẽ có sẵn cho các loại tàu thuyền trên khắp thế giới trong 5 đến 10 năm tới.
Con tàu được cầm lái bởi thuyền trưởng, nhà sáng lập Victorien Erussard và Jérôme Delafosse, sẽ ghé thăm 50 quốc gia và 101 cảng biển trong vòng 6 năm. Energy Observer được thiết kế bởi viện nghiên cứu CEA-Liten (Grenoble, Pháp).
Nguồn: https://www.independent.co.uk/environment/energy-observer-hydrogen-powered-zero-emissions-ship-london-climate-a9146571.html