Tại diễn đàn, bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng Silicon tại Việt Nam (Vietnam Silicon Valley -VSV) - cho biết, Việt Nam có khoảng 15.000 startup đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại 2 trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TPHCM.
Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017. Ảnh: Anh Sa
Một số startup Việt đã gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế như mWork, Cốc Cốc, Prime Circa, Appota, Divmob, Colorbox, DesignBol... Tiềm năng của startup được khẳng định rõ nét qua các thương vụ đầu tư hàng triệu đôla vào Lozi, Momo, OnOnPay... Đến nay, VSV đã đầu tư 40 nhóm, trong đó 26 nhóm đang hoạt động tốt và 15 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo.
Theo bà Thạch Lê Anh, nhìn chung khó khăn lớn nhất của startup hiện nay vẫn là thiếu nhà đầu tư ở giai đoạn vốn mồi trong khi gần như toàn bộ startup Việt đều đang ở giai đoạn này; thiếu các khoản đầu tư từ 10.000 đến 500.000USD. Nếu đã vượt qua ngưỡng 500.000USD, các startup có thể gọi vốn ở Singapore dễ dàng hơn, mặc dù việc này cũng tạo ra thiệt thòi lớn cho Việt Nam bởi các startup đó thường phải thành lập lại doanh nghiệp ở Singapore.
Quay trở lại với câu hỏi tại sao hầu hết các kết quả khảo sát trên thị trường đều chỉ ra rằng vấn đề lớn nhất startup gặp phải là gọi vốn, bà Thạch Lê Anh cho rằng: “Do đây là giai đoạn rủi ro nhất trong đầu tư về khởi nghiệp, các startup vẫn đang trong giai đoạn phát triển ý tưởng và hoàn thiện sản phẩm mẫu, chưa thử nghiệm được trên thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư mạo hiểm trong khi đầu tư mạo hiểm có rủi ro lớn, dễ khiến các nhà đầu tư chùn bước trong quyết định đầu tư vào Việt Nam”.
Để khắc phục những khó khăn mà các starup Việt đang gặp phải, Chủ nhiệm đề án VSV đề xuất nhân rộng mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh Vietnam Silicon Valley Accelertor tại các tỉnh, thành phố lớn để thu hút nguồn lực khởi nghiệp được đầu tư và đào tạo bài bản; chuyển giao quy trình quản lý, vận hành Business Accelerators cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng cũng như chất lượng startup, đặc biệt là giai đoạn đầu và có những gói tài chính dành riêng cho việc đầu tư mạo hiểm, có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần tham gia vào thị trường đầy rủi ro này.