Những người yêu thiên văn trên Trái đất có thể quan sát sao chổi 46P/Wirtanen bằng mắt thường trong tháng 12 sắp tới.
Sao chổi 46P/Wirtanen lần đầu tiên được phát hiện năm 1948. Nó bay quanh Mặt trời theo chu kỳ 5,4 năm và lần này tiếp cận gần nhất với Trái đất ở khoảng cách 11,5 triệu km vào ngày 16/12. 46P/Wirtanen không phải là một sao chổi đặc biệt lớn với đường kính chỉ khoảng 1,2 km.
Khi 46P/Wirtanen bay đến gần Mặt trời nhất (điểm cận nhật) vào ngày 12/12, bức xạ phát ra từ Mặt trời làm tăng quá trình thăng hoa của lõi sao chổi chứa đầy băng và bụi bẩn. Thăng hoa là hiện tượng một chất rắn (trong trường hợp này là băng) chuyển đổi trực tiếp thành chất khí bỏ qua pha lỏng. Đây là nguyên nhân tạo ra phần đuôi của sao chổi.
Dự kiến, sao chổi sẽ có độ sáng biểu kiến từ 3 đến 6, nghĩa là chúng ta có thể nhìn thấy nó trên bầu trời đêm bằng mắt thường, thậm chí ngay cả ở các thành phố ô nhiễm ánh sáng.
Lê Hùng (Theo Manilatimes)