Trung tâm nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (thuộc ĐH Đà Nẵng) và ĐH Aston (Vương quốc Anh) với tài trợ của Newton Fund và do Hội đồng Anh triển khai.
Thông qua khảo sát hiện trạng trong nước, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, rào cản cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là sự thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của lực lượng lao động về mô hình kinh tế này, dẫn tới thiếu các chiến lược và hành động cần thiết trong áp dụng.
Do vậy, Trung tâm Tri thức về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu tạo nơi kết nối, chia sẻ các nghiên cứu và kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn (dưới dạng tư liệu mở hoặc được cấp phép) giữa viện nghiên cứu, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà hoạch định chính sách và cơ quan Chính phủ; đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược và triển khai kinh tế tuần hoàn.
Dự kiến, Trung tâm sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2/2021 và trước mắt hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp.
Việt Nam hiện vẫn đang sử dụng mô hình kinh tế tuyến tính, tức ưu tiên khai thác tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng mà xem nhẹ việc xử lý lượng phế thải khổng lồ phát sinh từ tăng trưởng nóng và công nghiệp hóa nhanh.
Để nền kinh tế phát triển bền vững hơn, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng chuyển hướng tiếp cận sang mô hình “kinh tế tuần hoàn” - tức xây dựng một chu trình khép kín, cho phép thu hồi, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm làm nguyên liệu thứ cấp trong những quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng, nhờ đó tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lượng rác thải, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Ngô Hà