Trong đó, chủ đề đầu tiên mang tính thời sự, hai chủ đề còn lại nằm trong nội dung truyền thống của khóa học nhưng chưa bao giờ mất đi tính thời sự.


Giảng viên và học viên VSS'08 tương tác trong một giờ học. Ảnh: BTC

Trường Khoa học Việt Nam lần thứ 8 (VSS’08) vừa khai mạc tại TP Quy Nhơn với chủ đề chung “Vượt lên biến động”. Theo Ban tổ chức, sở dĩ chủ đề này được chọn vì những biến động và bất định do dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của tất cả chúng ta. Bên cạnh đó, sự xâm nhập ngày càng sâu của trí tuệ nhân tạo trong các ngành sản xuất, tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ vật liệu và ứng dụng của tính toán lượng tử cũng tác động mạnh mẽ đến tương lai của mỗi người.

Xung quanh chủ đề bao trùm có những bài giảng như: Cấu trúc và phân tích về virus: Covid-19 (TS. Lê Tuyết Nhung, ĐH Marseille); Biến đổi khí hậu và thích ứng ở Việt Nam (TS. Nguyễn Ngọc Huy, UNESCO); Bảo tồn thiên nhiên: quá khứ, hiện tại và tương lai (TS. Nguyễn Thu Trang, ĐH Cambridge); Những xu thế về trí tuệ nhân tạo (TS. Nguyễn Xuân Hoài, AI Academy); Vật lý lượng tử và công nghệ mới (TS. Đỗ Vân Nam, ĐH Phenikaa)...

Ngoài ra, VSS’08 tiếp tục duy trì các nội dung truyền thống về nền tảng khoa học, công bố quốc tế, đạo văn, tư duy phản biện, du học. Ở mảng này có các bài giảng: Đường vào khoa học (TS. Giáp Văn Dương, GiapGroup); Tư duy phản biện và sự thật lịch sử? (TS. Trần Trọng Dương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Những nẻo đường công bố: Định vị nhà khoa học trong thế giới ranking (TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Đạo văn và liêm chính khoa học (TS. Đặng Văn Sơn, ĐH Quốc gia Hà Nội)… Nhóm giảng viên cũng dành 3 buổi để giải đáp các câu hỏi của học viên chung quanh các chủ đề: Trở thành nhà khoa học, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Đạo đức khoa học và trách nhiệm học thuật.


Giải đáp các câu hỏi của học viên chung quanh các chủ đề: Trở thành nhà khoa học, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Đạo đức khoa học và trách nhiệm học thuật. Ảnh: BTC

Ở phần thực hành, các học viên tranh tài theo nhóm trong cuộc thi Hackathon khoa học: họ phải hoàn thành một đề tài nghiên cứu trong thời gian hạn hẹp của khóa học nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid, đạo văn, liêm chính học thuật...

Tham dự VSS’08 có 180 học viên; được lựa chọn từ hơn 650 hồ sơ học sinh, sinh viên đại học và sau đại học, nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ. Ban tổ chức cho biết, nhiều hồ sơ ứng viên có chất lượng rất tốt; có những ứng viên là du học sinh, nhà nghiên cứu Việt Nam đang học tập, làm việc ở Mỹ, Anh, Nhật, Úc.

14 nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ dẫn dắt và hỗ trợ học viên trong suốt khóa học qua 20 bài giảng và tọa đàm khoa học.


14 nhà nghiên cứu, giảng viên trẻ tham gia giảng bài tại VSS'08. Trong ảnh (từ trái sang): TS Tô Lan và TS. Trần Trọng Dương trong bài giảng về định vị nhà khoa học. Ảnh: BTC

Theo thông lệ, VSS được tổ chức vào mùa hè, nhưng năm nay, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, VSS phải lùi đến cuối tháng 11. Đây là năm thứ 8 liên tiếp chương trình được tổ chức dành cho các bạn trẻ nhằm giúp họ hình dung cụ thể và được chuẩn bị để đi nhanh và đi xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học. Đến nay, VSS đã đào tạo được gần 1.000 học viên, với khoảng 150 học viên đã/đang du học và làm việc ở hàng chục nước trên thế giới.

VSS’08 diễn ra từ ngày 28/11 đến 1/12 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Học viên tham dự được miễn toàn bộ học phí và đài thọ toàn bộ các bữa ăn. Trong đó, bên cạnh đài thọ toàn bộ chi phí chính của chương trình, Quỹ Gặp gỡ Việt Nam và ICISE còn hỗ trợ 80 suất đi lại và 80 chỗ ở miễn phí cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn và ở xa. Một số cơ quan, tổ chức khác như UBND tỉnh Bình Định, Đại học Quy Nhơn, Công ty GiapGroup, Trung tâm DEPOCEN, Học viện Sáng tạo, Quỹ PDG cũng tham gia tài trợ cho khóa học.