Công ty đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners đang tìm cách gây quỹ lần hai để tiếp tục đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC).

Đội ngũ sáng lập Touchstone Partners. Ảnh: Touchstone Partners
Đội ngũ đứng đầu Touchstone Partners. Ảnh: Touchstone Partners

“Touchstone Partners đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với nhiều nhà đầu tư tiềm năng, những người quan tâm đến những gì chúng tôi đang làm và cách tiếp cận của chúng tôi,” bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập của Touchstone Partners, chia sẻ với tờ DealStreetAsia.

Trước đó, vào năm 2021, công ty đã kết thúc đợt gọi vốn 50 triệu USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu. Pavilion Capital, Cercano Management (trước đây là Vulcan Capital) là hai trong số những nhà đầu tư đã góp vốn vào quỹ này.

Hồ sơ được gửi lên SEC không cho biết quy mô dự định của đợt gây quỹ thứ hai.

Touchstone Partners được đồng sáng lập bởi ông Trần Nhật Khanh, cựu giám đốc của VinaCapital Ventures, và bà Ngô Thuỳ Ngọc Tú, đồng sáng lập và chủ tịch của Yola Education. Đội ngũ chuyên gia đầu tư của Touchstone bao gồm các nhân sự giàu kinh nghiệm từ các tập đoàn trong và ngoài nước như McKinsey, Morgan Stanley, Ernst & Young, Galaxy Studio và Founders Institute Vietnam.

Touchstone Partners, TNB Aura và ThinkZone là những nhà đầu tư “rót tiền" nhiều nhất vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam; trong khi ThinkZone, East Ventures và YCombinator dẫn đầu trong các khoản đầu tư giai đoạn hạt giống.

Trung bình, Touchstone Partners đầu tư từ 500.000 đến 2 triệu USD cho mỗi thương vụ. Cho đến nay, họ đã đầu tư vào 23 công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu, từ lĩnh vực fintech (Credify), chăm sóc sức khỏe (Medigo), edtech (Prep) cho đến blockchain (ReneVerse).

Danh mục đầu tư vào các startup có công nghệ lõi của họ bao gồm các startup trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến (Eureka Robotics), xe tự hành (Alpha Asimove), công nghệ nông nghiệp (Forte Biotech) và cơ sở hạ tầng xe điện (Selex).

d
Selex mới đây đã huy động được 3 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để mở rộng dây chuyền sản xuất và hỗ trợ bán xe điện, đồng thời thiết lập hệ thống hoán đổi pin tại các thành phố trọng điểm trên khắp Việt Nam. Ảnh: Selex

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với DealStreetAsia, bà Tú chia sẻ rằng Touchstone Partners đang tìm cách đầu tư vào nhiều công ty khởi nghiệp phần cứng và công nghệ lõi hơn, vì họ nhận thấy lĩnh vực KH&CN trong nước đang có nhiều hứa hẹn.

“Mặc dù Touchstone Partners chú trọng vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu và không tập trung cụ thể đến lĩnh vực nào, nhưng chúng tôi sẽ tích cực hơn trong việc tìm kiếm các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng, công nghệ lõi và giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Thị trường startup của Việt Nam tới đây được dự đoán sẽ chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Trong nửa đầu năm 2023, các công ty đầu tư mạo hiểm trong nước đã đóng 11 quỹ. Số tiền gây quỹ trong nửa đầu năm chưa bằng một nửa số vốn huy động được trong cùng kỳ năm 2022.