Với lực lượng áp đảo ngay từ khi bước vào vòng chung kết, các start-up trẻ xây dựng công nghệ áp dụng cho lĩnh vực thương mại điện tử đã nhận được nhiều đánh giá cao từ cả Hội đồng chuyên môn lẫn các nhà đầu tư.
|
Bùi Hải Nam, người sáng lập Data mart cùng hai giám khảo Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT và Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo - Ảnh: Báo Đầu tư
|
Thương mại điện tử: Mảnh đất màu mỡ cho start-up
Điểm chung dễ nhận thấy nhất của các nhà khởi nghiệp (start-up) vào được đến vòng Chung kết Start-up Việt năm nay là đều xây dựng sản phẩm tích hợp xu hướng của kinh tế chia sẻ, đặc thù của thành tố con người và nền tảng của công nghệ 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), máy học (Machine Learning)…
Vì vậy, Start-up Việt 2018 đã vinh danh quán quân là nhà sáng lập Công ty Data Smart Bùi Hải Nam với nền tảng quản lý bán hàng đa kênh tự động PowerSell.
Được giới thiệu là giải pháp sử dụng Big Data và AI để hỗ trợ các nhà bán hàng trên Lazada, Shopee, Sendo, Haravan, Zalo…, PowerSell có thể giúp người bán quản lý tập trung tất cả các kênh phân phối của mình trong môi trường thương mại điện tử. Theo đó, PowerSell cũng có thể tự động hóa khâu phân tích dữ liệu khách hàng, phân tích thị trường và tư vấn quản lý cho người bán thông qua trợ lý ảo. Thậm chí, nền tảng này còn có thể tự động hóa hoàn toàn khâu bán hàng online của doanh nghiệp.
Có thể hiểu nôm na là nếu tham gia vào môi trường của PowerSell, từ nay những người bán hàng online sẽ không còn ra các quyết định về lượng hàng tồn kho, thời điểm nhập hàng, giá bán và thậm chí là đối tượng khách hàng một cách cảm tính nữa. Khâu quản lý bán hàng online cũng sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi người bán chỉ cần “tải” lên một sản phẩm thì sản phẩm ấy sẽ tự động được chuyển tới tất cả các sàn thương mại điện tử có kết nối với PowerSell. “Hệ thống sẽ tự động phân tích thị trường, sản phẩm và đưa ra khuyến nghị để có thể bán được nhiều hàng hơn với mức giá tốt nhất”, nhà sáng lập Bùi Hải Nam giải thích.
Trước đối thủ “đáng gờm” cũng với nền tảng công nghệ 4.0 hỗ trợ người bán hàng online có cùng mục tiêu tương tự là Chatbot của start-up Lê Anh Tiến, nhà sáng lập PowerSell đã thắng thế không chỉ nhờ các định hướng về phát triển công nghệ, xây dựng lợi thế cạnh tranh mà còn bởi tư duy gây dựng hệ sinh thái và con đường dài hơi cho doanh nghiệp khi vươn ra thế giới: “Muốn đánh thị trường lớn thì không thể đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Mạng lưới đối tác vững mạnh chính là những đàn sói cùng song hành với doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, điểm làm nên sự khác biệt của nhà vô địch năm nay là “có thể phát triển một thứ online mà không cần phải quảng cáo, không bỏ nhiều vốn đầu tư mà lại thu hồi được tiền nhanh. Đó chính là ước mơ lớn của nhiều start-up”.
Cũng theo đánh giá của hầu hết các nhà chuyên môn lẫn nhà đầu tư tại Vòng chung kết thì 2 nền tảng cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử trên đây là những dự án có tính tiên phong nhất. Vì vậy, bên cạnh các cam kết hỗ trợ từ nhiều nhà đầu tư tại cuộc tranh tài, PowerSell còn bất ngờ nhận được đề nghị rót 5 tỷ đồng từ ông chủ Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam. Còn Chatbot cũng nhanh chóng “chốt” được khách hàng “khủng” là GRAB.
Thật vậy, thương mại điện tử là nơi đang có hàng triệu người bán, hàng tỷ người mua. Quy mô của dữ liệu từ môi trường này là vô cùng lớn. Đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các thành tựu khác của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. “Cộng đồng thương mại điện tử ngày nay chỉ nói tới AI, AI và AI”, vị chủ tịch FPT nhấn mạnh thêm.
Công nghệ 4.0 đã không còn là rào cản
Tuy nhiên, không chỉ có nhà vô địch Start-up Việt 2018 mới nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Chùm giải pháp quản lý phòng cho thuê, quản lý chung cư, trường học, dịch vụ điện nước… có tên AMI - nơi được xem là những bước đi cụ thể để góp phần vào “đại dự án” thành phố thông minh - cũng nhận được lời hứa hỗ trợ tiếp cận kho dữ liệu dân cư khổng lồ từ FPT.
Startup Ella Study với nền tảng trực tuyến nhằm tư vấn ngành học, kết nối du học sinh với các trường đại học, cung cấp dịch vụ hỗ trợ suốt quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường cũng sẽ được giúp đỡ để “bước vào thế giới” của mạng lưới các trường đại học uy tín và danh giá nhất thế giới.
Có thể thấy, Hội đồng chuyên môn của Start-up Việt năm nay đánh giá rất cao những start-up “dám nghĩ, dám làm”, dám biến những điều chưa từng có thành hiện thực theo cách của riêng mình. Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến ý tưởng thoạt nghe có vẻ “khác thường” của Dự án Batdongsansach.vn với dịch vụ kiểm tra tính pháp lý của bất động sản trên nền tảng công nghệ số đã vượt qua được 400 start-up khác để giành vé vào tới chung kết.
Xét về trình độ công nghệ, những lĩnh vực như AI, Machine Learning, Big Data hiện đã trở thành các lĩnh vực chuyên môn được đào tạo rất rộng rãi ở các trường đại học Việt Nam. “Công nghệ 4.0 không còn là vấn đề nữa. Việt Nam đang thực sự có một lượng nhân lực khổng lồ về lĩnh vực này”.
Thông tin từ ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) cũng cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong năm qua của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà thể hiện rõ nét nhất là xu hướng tấp nập của dòng tiền đầu tư chảy về các dự án start-up. Theo đó, riêng trong năm 2017, thị trường Việt Nam đã ghi nhận 92 thương vụ đầu tư cho khởi nghiệp có đổi mới sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD.
Hiện Bộ Khoa học và Công Nghệ đang chủ trì đề án 844 với chủ trương chính là khởi tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, có cổ vũ mạnh mẽ những hoạt động như Cuộc thi Start-up Việt nhằm kiến tạo các cầu nối, không chỉ giữa các doanh nghiệp với nhau mà còn là giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư…