Trung tâm Di sản thế giới Thành Nhà Hồ cho biết đã phát hiện một chiếc trống đồng cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm; NASA phát hiện luồng hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc... là những tin khoa học chính sáng 27/9.

Phát hiện trống đồng 2.000 tuổi trong khu vực Thành nhà Hồ

Ngày 26/9, theo Trung tâm Di sản thế giới Thành Nhà Hồ cho biết: Gia đình ông Trịnh Văn Loán, ở làng cổ Cầu Mư, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa (cách di sản Thành Nhà Hồ hơn 1 km về phía Đông Nam) vừa phát hiện một chiếc trống đồng cổ. Trống có đường kính 59cm, chiều cao 43cm. Mặt dưới đế trống, mặt trên có trang trí sao 12 cánh đắp nổi, không có tượng cóc trang trí ở rìa mặt trống, các hoa văn, họa tiết tinh xảo. Qua hình dáng, hoa văn, họa tiết của chiếc trống đồng vừa được phát hiện có thể nhận định đây là trống đồng Đông Sơn loại I (Heger I), có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 đến 2.500 năm. Hiện nay, ngành chức năng đã đến nơi phát hiện trống đồng để làm thủ tục tiếp nhận, bảo quản cổ vật theo quy định của Luật Di sản văn hóa. (XEM THÊM)

Trống đồng cổ vừa được phát hiện. Ảnh: CTV

Tìm ra một loại "siêu vật liệu" cứng hơn kim cương

Nhà vật lý Natalia Dubrovinskaia (Đức) và các đồng nghiệp đã tìm ra một loại siêu vật liệu có khả năng chịu đựng lực ép cực lớn. Vật liệu mới cứng đến mức có thể làm mẻ kim cương - vốn được coi là cứng nhất thế giới từ trước đến nay. Cấu trúc của vật liệu này chủ yếu được tạo ra từ liên kết giống kim cương nhưng cũng có khoảng 10-15% độ giống với liên kết than chì. Trong khi tinh thể kim cương bắt đầu không chịu được áp lực 120 Giga Pascals (GPa), vật liệu mới có thể chịu được ít nhất 460 GPa. Nó thậm chí có thể chịu được khi tổng lực ép tạo ra áp lực đến 1.000GPa. Điều này khiến khối cầu nhỏ xíu này cứng hơn bất cứ loại vật liệu nào từng được biết đến trên hành tinh này. (XEM THÊM)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Daytodaygk.com)

Google có thể ra laptop, tablet chạy hệ điều hành hoàn toàn mới

Theo trang Android Police và 9to5Google, mẫu máy tính xách tay Pixel mới được biết đến trong nội bộ với tên mã là "Bison" hoặc Pixel 3, và sẽ chạy trên một hệ điều hành lai Android/Chrome OS, hiện đang được gọi là "Andromeda" khi nó có thể sẽ phát hành trong quý 3 năm 2017. Mẫu máy tính xách tay mới này được cho sẽ dày 10mm, khiến nó trở thành một trong những mẫu notebook mỏng nhất thế giới. Máy có màn hình 12,3inch và sẽ có chế độ chuyển đổi sang máy tính bảng hỗ trợ bút stylus. Máy sẽ có một bộ xử lý Intel, hai cổng USB-C, một bàn phím backlit và một trackpad phát hiện lực giống như MacBook mới. (XEM THÊM)

Google được cho là đang thử nghiệm hệ điều hành lai Android/Chrome OS, trên mẫu máy tính xách tay Pixel mới.

Cứ 3 người lại có 1 người kiểm tra điện thoại lúc nửa đêm

Một nghiên cứu mới của Công ty tư vấn Deloitte đã phát hiện ra rằng cứ ba người lại có một người thức dậy kiểm tra điện thoại của họ vào giữa đêm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khoảng 50% nhóm người dùng từ 18-24 tuổi thừa nhận đã kiểm tra điện thoại vào nửa đêm, trong khi chỉ 14% số người trên 65 tuổi làm điều này. Việc sử dụng điện thoại thông minh nửa đêm có khả năng làm gián đoạn giấc ngủ ở một mức độ khó phát hiện hơn. Ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại (và màn hình nói chung) có thể ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, ảnh hưởng đến sự tiết melatonin và làm cho bạn khó khăn hơn để có được giấc ngủ. Đây là lý do tại sao có được ngày càng có nhiều ứng dụng và tính năng (đặc biệt tính năng Night Shift trong iOS) mang tới màn hình điện thoại một màu cam vào ban đêm. (XEM THÊM)

Bạn có bao giờ thấy mình thức dậy và kiểm tra điện thoại của mình giữa đêm?

NASA phát hiện luồng hơi nước trên mặt trăng của sao Mộc

Theo Wired, trong cuộc họp báo rạng sáng ngày 27/9 (giờ Việt Nam), các nhà khoa học của NASA cho biết đã phát hiện một luồng hơi nước bốc lên từ bề mặt mặt trăng Europa của sao Mộc. Các nhà khoa học của NASA sử dụng kính viễn vọng Hubble để quan sát Europa. William Sparks, nhà thiên văn học ở Viện nghiên cứu Kính thiên văn Không gian, Baltimore, Mỹ, sử dụng "hình ảnh đi qua" để nhận dạng luồng hơi nước. Với Europa, bề mặt sao Mộc tạo ra một quầng ánh sáng cực tím, nhờ vậy các nhà khoa học có thể nhìn thấy bóng của luồng hơi nước. Việc tìm thấy luồng hơi nước là một phát hiện quan trọng, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể khám phá ra đại dương trên Europa và tìm kiếm các hóa chất hữu cơ, thậm chí là dấu hiệu của sự sống bắt nguồn từ đó mà không cần đào sâu vào lớp băng. (XEM THÊM)

Có thể có dấu hiệu sự sống dưới bề mặt đóng băng của Mặt trăng Europa. Ảnh: NASA

Robot tự động dò tìm khuyết tật mối hàn "made in Việt Nam"

Dưới sự hướng dẫn của TS Vũ Dương, nhóm nghiên cứu của trường đại học Duy Tân vừa chế tạo thành công mẫu robot dùng để tự động dò tìm khuyết tật mối hàn. Robot này có khả năng di chuyển tự động bám theo các đường hàn trên thân tàu, đánh dấu vị trí có khuyết tật; tự động di chuyển linh hoạt trên những đường thẳng, đường cong và có thể được tháo rời dễ dàng tùy theo những yêu cầu khác nhau. Bên cạnh đó, robot có thể truyền nhận dữ liệu với trạm kiểm soát ở khoảng cách 500-1000m... Hiện tại, trường ĐH Duy Tân và nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp với nhà máy đóng tàu Sông Thu thử nghiệm mô hình robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu tại công xưởng. Bên cạnh đó, trường cũng đã nộp hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ xin đăng ký bản quyền, và đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường. Sản phẩm vừa đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tổ chức tại thành phố Đà Nẵng tháng 8 vừa qua. (XEM THÊM)

Hình ảnh robot kiểm tra mối hàn vỏ tàu của nhóm nghiên cứu trường ĐH Duy Tân.

Lạnh người với hồ muối 4.000 năm biến thành 'hồ máu'

Một hồ muối cổ - nơi cung cấp muối cho người dân Vận Thành (Sơn Tây, Trung Quốc) suốt 4.000 năm qua mới đây đã chuyển từ màu nước trong sang màu đỏ do hiện tượng tảo nở hoa. Hiện tượng hiếm thấy này đã thu hút rất nhiều người dân địa phương đến chứng kiến tận mắt. Được biết, hồ muối này có nồng độ muối cực cao và được mệnh danh là “Biển Chết” của Trung Quốc, bởi ai bước xuống hồ cũng đều có thể nằm nổi lềnh bềnh mà không cần khua tay đạp chân. Đây là nơi cung cấp muối cho người dân địa phương suốt 4.000 năm qua. (XEM THÊM)

Những hình ảnh này được chụp tại một hồ muối cổ ở Vận Thành (Sơn Tây, Trung Quốc) hôm qua, 25/9.

Nhà khoa học Thụy Điển bắt đầu nghiên cứu chỉnh sửa gene người

Bằng cách sử dụng CRISPR, Fredrik Lanner đang chỉnh sửa các gene nhằm tìm hiểu cách thức hoạt động cũng như hy vọng khám phá được nhiều điều về các vấn đề: vô sinh, sẩy thai, và tế bào phôi gốc. Công cụ này sử dụng hai phân tử tập trung vào các gene cá nhân nhằm đạt được những thay đổi cực kỳ chính xác đến ADN của người. Lanner cho biết “Nếu chúng ta có thể hiểu được cách các tế bào được quy định trong phôi, trong tương lai con người có thể hướng đến việc điều trị cho các bệnh nhân tiểu đường, bệnh Parkinson, các loại mù lòa và một số căn bệnh khác”. Ông là nhà nghiên cứu đầu tiên chỉnh sửa ADN của người trên các phôi khỏe mạnh. (XEM THÊM)

Fredrik Lanner (bên phải) cùng học trò của mìng nghiên cứu trên một phôi người phóng đại, ảnh: Rob Stein/NPR