Ông Vũ trở lại - có “lợi hại hơn xưa”?
Dân gian có câu “trở lại và lợi hại hơn xưa”. Và ngày 16.6 vừa rồi, không báo trước, ông Đặng Lê Nguyên Vũ xuất hiện trong sự ngạc nhiên lẫn phấn khích của khách tham dự lễ công bố danh xưng mới“Trung Nguyên Legend - Tập đoàn Chuyên Cà Phê Năng Lượng - Cà Phê Đổi Đời”. Câu hỏi bật ra, là liệu “ông có lợi hại hơn xưa?”.
Ông Vũ xuất hiện sau phần mở đầu, khi mà ban tổ chức mời mọi người cùng nhắm mắt, tập trung cảm nhận hơi thở và năng lượng. Hoạt động này, giống như trong một buổi giảng thiền của các nhà sư hay bắt đầu một buổi tập yoga hơn là một bữa tiệc hoành tráng ở trung tâm hội nghị sang trọng nhất Sài Gòn. Bởi vậy, giữa không gian này, có người chọn thoải mái đáp ứng yêu cầu, có người “tranh thủ” trải nghiệm cảm giác mới và khá nhiều người trò chuyện râm ran về sự kỳ lạ này.
Ông Vũ bước vào, tươi cười và lên bục chia sẻ một thông điệp ngắn, vỏn vẹn có 6 phút. Ông nói: “22 năm trước, khi xây dựng Trung Nguyên từ con số không, tôi không có hành trang gì lớn hơn ngoài khát vọng cháy bỏng thoát nghèo cho chính mình, gia đình mình, quê hương mình. Với tôi, kinh doanh không phải là chuyện mua bán tầm thường; đó là sự thu phục nhân tâm. Khi có được lòng người, đúng với lòng trời, thì kinh tài mới thiện lành, bền vững. Tôi luôn đau đáu với ba mục tiêu lớn mà tôi, cũng như tổ chức Trung Nguyên Legend đã và luôn nỗ lực theo đuổi dù gặp bất kỳ nghịch cảnh nào; cũng như rất mong muốn có được sự chia sẻ từ các người anh chị em trong và ngoài tổ chức: Thứ nhất là xây dựng một tầm nhìn 20 tỷ USD cho cà phê Việt Nam, lấy lại giá trị thực mà cà phê Việt xứng đáng được hưởng. Thứ hai là góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt – có khao khát vĩ đại với lòng tin và tâm huyết đặt vào thế hệ trẻ. Thứ ba là xây dựng một hệ sinh thái chữa lành, khai sáng để giúp nhân gian thoát khỏi những đau khổ, đói nghèo, bệnh tật triền miên và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần”.
Sẽ rất dễ người đời bình phẩm về một thông điệp hơi khác người này. Bởi điều mà ông Vũ đang kỳ vọng, là sự hoàn toàn khác biệt, sự “làm cách mạng trong mỗi con người của Trung Nguyên” để theo đuổi một giá trị cao hơn. Vẫn sẽ còn hơi sớm để nói rằng, bước “tái khởi nghiệp” này sẽ tạo đột phá để một doanh nghiệp Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng “số 1 thế giới”. Nhưng rõ ràng, Trung Nguyên đã không còn là một doanh nghiệp kinh doanh cà phê thuần túy nữa, mà đã theo đuổi một sứ mệnh to lớn hơn, mà theo cách của cộng đồng khởi nghiệp hay nói, là “thay đổi thế giới”.
Ông Vũ trong lần xuất hiện ngày 16.6 vừa qua. Ảnh: Tô Thanh Tân
Chuyện khởi nghiệp
Độ chừng hơn một thập niên trước, cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ từng là nguồn cảm hứng dạt dào nhất của những ai muốn khởi nghiệp làm kinh doanh. Những vất vả mà ông đã trải qua được kể lại với nhiều chi tiết càng ngày càng… giống phim. Nhưng những thành công mà ông có được thì không ai có thể phủ nhận được.
Rồi một ngày ông quyết định đầu tư cho khởi nghiệp, theo cách của mình. Ông đi lựa sách, mua bản quyền và in hàng triệu cuốn để phát miễn phí cho tất cả những ai muốn thay đổi cuộc đời mình. Nó đơn giản như cách mà ông nói: tôi bắt đầu bằng con số 0, nhưng có may mắn là tìm được một khát vọng đủ lớn để theo đuổi, nên bắt tay vào thực hiện nó. Làm mãi thì cũng đi được một quãng dài…
Người viết bài từng có dịp tham dự những cuộc nói chuyện do Trung Nguyên tổ chức hoặc hỗ trợ các đơn vị khác tổ chức, ở thành phố lẫn nông thôn, chỉ để truyền thêm một chút những khát vọng, tặng thêm một chút niềm tin cho tất cả những người trẻ đang còn loay hoay trên con đường khởi nghiệp vốn lắm chông gai.
Và hiểu rằng, Trung Nguyên muốn làm việc này thực sự, chứ chẳng có gì buôn bán hay thương hiệu gì ở những không gian khởi nghiệp này. Hàng triệu cuốn sách hay được trao đi, như tiếp sức cho hành trình chinh phục ước mơ, khát vọng của thanh niên khắp chốn. Nó cũng giống như những buổi Cà phê Thứ Bảy, nơi những người trí thức đến để chia sẻ góc nhìn mới, thông tin hay, để tạo ra những không gian trao đổi, phản biện đa chiều, mà có lẽ những người làm marketing của Trung Nguyên còn chưa kịp biết vừa được Hội đồng Anh bình chọn vị trí dẫn đầu trong những không gian sáng tạo tại Việt Nam.
Đọc lại thông điệp mà ông Vũ vừa phát đi, thấy có nhiều từ ngữ còn xa lạ với số đông, bởi mang một chút màu sắc tâm linh, một chút tầm nhìn xa xôi mong muốn làm nên chuyện vĩ đại. Hẳn là phải có một “bộ chuyển ngữ” để giải thích cho cặn kẽ những gì ông muốn nói. Hay phải chờ thêm nhiều năm nữa, người ta mới thực sự hiểu những điều này?
Nhưng có hề gì, miễn là ông mong muốn trở thành cái gì đó vĩ đại, không phải cho ông, mà cho đất nước mình. Nó làm hiện lên câu nói của ông Benjamin Disraeli - cựu Thủ tướng Anh: “Cuộc sống quá ngắn ngủi để làm người bé nhỏ”. Đất nước đang cần có thêm nhiều hơn nữa những giấc mơ trở thành vĩ đại, doanh nhân vĩ đại hay bác sĩ vĩ đại, nhà khoa học vĩ đại đều là những nguồn lực đưa mình đi xa hơn. Giấc mơ khởi nghiệp của chúng ta đang nói là gì, nếu không phải là muốn trở nên vĩ đại hơn?
Và chuyện thiền định
Đoạn “khai mạc” lễ công bố của Trung Nguyên, chính là một phương thức được nhiều công ty trên thế giới đang thực hiện. Tập sách nổi tiếng thế giới Mindful Work: How Meditation Is Changing Business from the Inside Out (tạm dịch: Làm việc Chánh niệm: Cách thức thiền định đang thay đổi doanh nghiệp) của nhà báo David Gelles đã tập hợp đầy đủ dẫn chứng cho chuyện này.
Ông nhà báo kỳ cựu của New York Times, sau quá trình phỏng vấn và theo dõi hàng loạt doanh nhân và doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đã phát hiện ra rằng: thiền định có thể là một nhân tổ then chốt giúp thúc đẩy sự hạnh phúc, và sự hiệu quả hơn của mọi tổ chức.
Ông kể rằng, đầu tiên chỉ là những doanh nhân ở Silicon Valley, vốn phải chịu quá nhiều áp lực, đã tìm đến phương pháp ngồi thiền mỗi ngày để cân bằng cuộc sống. Sau, nó được truyền vào các tổ chức, nhưng cũng như cách mà nhiều người mang theo chó hoặc thú cưng đến công sở hoặc những người chơi bóng bàn ở căn tin của Google, cho đến một ngày, người ta chính thức hóa hoạt động này.
General Mills, Target, Google, và Aetna – những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Mỹ, đã xây dựng những chương trình chính thức về thực hành thiền chánh niệm cho toàn bộ nhân viên của mình, sau khi chứng minh của các nhà tâm lý học khẳng định hiệu quả vượt trội của phương pháp này.
Xin khép lại bằng lời kết của ông Vũ: “Tôi luôn biết trong mỗi chúng ta đều có một vũ trụ đang chờ khai phá – điều duy nhất chúng ta cần lúc này là một đức tin, một ý chí, một khát vọng được tôi luyện”.