Ngày 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Ô nhiễm không khí tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm Quan trắc, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết: “Theo bản đồ đánh giá nguồn phát thải được các nhà khoa học xây dựng, toàn bộ vùng biển phía đông Trung Quốc dày đặc các điểm phát thải thủy ngân. Thủy ngân từ đây đã phát tán ra các quốc gia xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Ở Việt Nam, chúng ta chưa có số liệu đo trực tiếp nhưng chắc chắn không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi hai nước rất gần về địa lý và không khí rất dễ dàng làm lan truyền từ Trung Quốc sang Việt Nam”.

Cảnh ô nhiễm không khí ở đoạn đường chạy qua bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội).
Ảnh: Lê Hiếu


Theo ông Nguyễn Văn Thùy, trong các nguồn ô nhiễm do hoạt động kinh tế, xã hội tại Việt Nam, thủy ngân là nguồn ô nhiễm đến từ các nước lân cận. Được gọi là nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, thủy ngân đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Đến nay, Công ước Minamata về thủy ngân đã được 38 quốc gia phê duyệt và sẽ có hiệu lực khi có đủ 50 quốc gia tham gia. Lúc đó, mạng lưới quan trắc thủy ngân toàn cầu sẽ được xây dựng để theo dõi sự lan truyền của thủy ngân trong khí quyển.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, chỉ số bụi lơ lửng TSP (bao gồm PM10, PM2,5) đo được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2015 đều vượt từ 85-89% so với quy chuẩn Việt Nam. Nếu như hàm lượng các chất SO2 và CO trong không khí đều nằm trong giới hạn thì O3 và NO2 lại đang có dấu hiệu vượt ngưỡng. Đặc biệt, hàm lượng O3 thường vượt tiêu chuẩn vào những ngày nắng nhiều, từ 12-16h. Hiện tượng chỉ số O3 cao bất thường về đêm cũng đang được các nhà khoa học nghiên cứu thêm.

>> Không khí ở Hà Nội đang ngày càng độc, hại

Bàn về vấn đề này, PGS-TS Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam - cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một bộ luật về không khí sạch. “Trong thời gian chờ đợi, các cơ quan quản lý không khí cần bám sát các công ước, điều ước quốc tế về kiểm soát không khí xuyên biên giới và xây dựng cam kết giữa các quốc gia. Việc làm này sẽ đảm bảo xử lý sự lan tỏa các nguồn ô nhiễm từ nước khác sang Việt Nam. Đây là chuyện cần làm ngay, không thể chờ đợi” - ông Tiến nhấn mạnh.