Sau hơn 7 năm phát động Sự kiện Bảo tồn cây di sản Việt Nam (từ tháng 03/2010) đến nay đã có 2.671 cây cổ thụ thuộc hơn 100 loài thực vật, tại 52 tỉnh và thành phố được công nhận là cây di sản Việt Nam.

Thông tin trên được GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết tại sự kiện kỷ niệm "Gặp mặt 7 năm Sự kiện bảo tồn Cây Di sản Việt Nam" của Hội.

Tham dự sự kiện còn có Trung tướng - Anh hùng lực lượng Vũ trang Nguyễn Phúc Thanh - nguyên Phó chủ tịch Quốc hội; GS - TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Việt Nam; GS - TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Nội cùng các đại biểu và khách mời đến từ các địa phương đi đầu trong việc tham gia Sự kiện Bảo tồn cây di sản Việt Nam.

GS - TSKH Đặng Vũ Minh (thứ tư, từ phải qua) - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao cờ thi đua và trao nhận Bằng khen cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về việc "Đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động bảo tồn cây di sản Việt Nam giai đoạn 2020 - 2016 góp phần phát triển Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam".

Được biết, sáng kiến phát động sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) khởi xướng từ năm 2010 và tổ chức thực hiện trong 7 năm qua. Hội đã thành lập Hội đồng Cây Di sản Việt Nam gồm các nhà chuyên môn có liên quan trong lĩnh vực sinh học, lâm học, bảo vệ thực vệt. Kể từ khi phát động đến nay Hội đã nhận được hàng nghìn hồ sơ cây từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 2.671 cây cổ thụ thuộc hơn 100 loài thực vật, tại 52 tỉnh và thành phố được công nhận là cây di sản Việt Nam.

GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh cho biết các thành viên Hội đồng không chỉ xét duyệt các hồ sơ cây gửi đến, khảo sát thẩm định tuổi và các thông tin về cây mà còn làm nhiệm vụ tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa, mục đích khơi dậy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, làm cầu nối chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ, chăm sóc, chữa bệnh cho cây... Hoạt động này không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường mà còn trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho cộng đồng và khơi dậy truyền thống tốt đẹp văn hóa – lịch sử vốn có của người Việt.

GS - TSKH Đặng Huy Huỳnh.

"Cây cũng như con người nếu tuổi cao thì thường hay bị bệnh tật chính vì thế chúng tôi đã tổ chức và tìm cách chữa bệnh, chăm sóc cho cây; hướng dẫn cộng đồng, địa phương chăm sóc như thế nào cho đúng, nếu chăm sóc không đúng cây sẽ yếu và chết. Chúng tôi mời các chuyên gia nước ngoài về chữa bệnh cho cây để hỗ trợ và tư vấn để làm sao việc chăm sóc, bảo vệ cho cây được tốt nhất tất nhiên vai trò của cộng đồng là quan trọng, tổ chức bảo vệ bằng kỹ thuật phù hợp với điều kiện, sinh lý và sinh thái của cây", GS Huỳnh chia sẻ.

GS Huỳnh cũng đua ra lời khuyên rằng "Chúng ta phải biết cây cao tuổi thường có các loại xén tóc xâm nhập vào vì vậy trong quá trình chăm sóc phải biết cách chữa như thế nào; quá trình bón phân cho cây là phải đúng kỹ thuật. Cây lớn tuổi bao giờ việc chăm sóc cũng khó khăn hơn nên phải có sự theo dõi từ dễ cây cho đến lá cây. Người dân thấy cây có hiện tượng khác thường thì báo ngay cho Hội chúng tôi để hội có phương thức giúp đỡ bằng cách tư vấn cụ thể cho các địa phương".

Cây Đa lông - Cây Di sản Việt Nam tại di tích Đình - Đền Hào Nam.

Trong số 2.671 Cây Di Sản Việt Nam có một số cây kỷ lục như Cây Di sản có Cây táu Việt Trì 2.200 năm tuổi theo phả hệ; cây pơmu Tây Giang (Quảng Nam) 1.500 năm tuổi theo phương pháp đếm vòng sinh trưởng; cây cao nhất, thân đơn to nhất là cây sa mu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát cao 73m, đường kính 5,5m; cây rễ phụ có chu vi lớn nhất là cây đa đền Thượng, Lào Cai cao 44m...

Trong 2 năm gần đây đã có rất nhiều quần thể cây lớn được công nhận là cây di sản Việt Nam như: quần thể cây Pơmu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) và Quế Phong (Nghệ An); quần thể Chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái); quần thể cây Hồng Tùng ở Vườn Quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh), quần thể cây Lim ở đền Và, Ba Vì (Hà Nội)...