Nhiều yếu kém ở các khâu của thị trường KH&CN, trong đó có truyền thông được nêu ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Thị trường KH&CN và truyền thông” do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 23/12.
Ông Lương Tú Sơn - PGĐ Trung tâm Thông tin KH&CN TPHCM cho biết, trước năm 2012, TPHCM không có được một hợp đồng chuyển giao công nghệ nào. Nhưng sau năm 2012 đến nay, khi thành phố hình thành các sàn giao dịch, thì có được khoảng 40 hợp đồng chuyển giao được ký kết với tổng trị giá khoảng 50 tỷ đồng. So với tiềm năng và nhu cầu thực tế của một thành phố lớn nhất cả nước, mỗi năm giá trị chuyển giao chỉ có 10 tỷ đồng là quá thấp. Điều này chứng tỏ, truyền thông về thị trường KH&CN chưa đạt hiệu quả - ông Sơn đánh giá.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, hiện TPHCM chỉ có 9,3% doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ. Thời gian tới, trong quá trình hội nhập, nếu không đổi mới công nghệ, doanh nghiệp có thể thua ngay trên sân nhà. Việc này là cấp thiết, do đó cần phải có chiến lược, biện pháp truyền thông mạnh mẽ, thiết thực. Nhà nước chỉ ban hành cơ chế chính sách, chứ không thể làm thay việc thúc đẩy thị trường. Vì vậy, phải đưa được cơ chế chính sách đến được với doanh nghiệp, cũng như tìm hiểu nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp. Truyền thông là một trong những kênh tốt nhất có thể làm việc này - ông Thanh nhận định.
Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc công ty Nhật Quang thừa nhận mình rất lúng túng khi tiếp xúc với giới truyền thông và chưa biết cách truyền thông sản phẩm sao cho thu hút người nghe, người đọc.
Theo ông Đặng Vỹ thuộc Tạp chí Nhà quản lý, nguyên nhân truyền thông mảng KH&CN kém hấp dẫn là do các phóng viên rất ngại viết các mảng có chuyên môn sâu, họ thường thích làm mảng đời sống xã hội bởi không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Trong khi đó, các nhà khoa học thì lại ít quan tâm đến truyền thông vì quan niệm rằng người sử dụng của mình ít, không cần truyền thông rộng rãi. Kinh phí nghiên cứu khoa học không lớn, thêm kinh phí truyền thông nữa chắc không ổn. Nhà khoa học chỉ nghiên cứu, cũng không cần truyền thông - ông Đặng Vỹ phân tích.
Ông Bùi Văn - Tổng biên tập Kênh truyền hình FBNC - thì cho rằng, truyền thông về KH&CN chưa phát triển do tỷ lệ ứng dụng thực tế của các sáng chế, công trình nghiên cứu còn thấp. Hiện chỉ có 39% nghiên cứu được ứng dụng. Sở KH&CN TPHCM sẽ đưa tỷ lệ này lên 60% vào năm 2020 và hỗ trợ tổ chức thường xuyên các buổi hội thảo, tọa đàm, đối thoại giữa các bên liên quan để giải quyết những điểm còn vướng mắc trong thị trường KH&CN - ông Nguyễn Khắc Thanh cho biết.
Dự kiến trong thời gian tới, Sở KH&CN TPHCM sẽ ra mắt cổng thông tin hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; cổng thông tin sáng kiến cộng đồng; cổng thông tin giao dịch công nghệ, khởi nghiệp; triển khai các hoạt động truyền thông về chương trình thị trường KH&CN nhằm quảng bá các nội dung, chính sách về KH&CN của thành phố…