Trong số bốn người đoạt giải thưởng chính, có hai nhà khoa học từng được trao giải Nobel Hoá học vào năm 2019.

f
Bốn nhà khoa học nhận Giải thưởng Chính trong Lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra vào tối 20/12. Từ phải qua: GS. Akira Yoshino,GS. Rachid Yazami,GS. Stanley Whittingham,GS. Martin Andrew Green. Ảnh: VinFuture Prize

VinFuture là giải thưởng khoa học và công nghệ thường niên toàn cầu, được thành lập ngày 20/12/2020. Giải thưởng nhằm ghi nhận những nhà phát minh và nhà nghiên cứu xuất sắc đến từ các trường, viện nghiên cứu toàn cầu, phòng thí nghiệm và tập đoàn công nghiệp công nghệ để tôn vinh những nghiên cứu khoa học đột phá và đổi mới công nghệ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hằng ngày của hàng triệu người.

Lễ trao giải VinFuture năm nay được tổ chức vào ngày 20/12 tại Nhà hát Hồ Gươm với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Vượt qua 1.400 đề cử từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Giải thưởng Chính VinFuture năm nay được trao cho 4 nhà khoa học: GS. Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc), GS. Stanley Whittingham (Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Hoa Kỳ), GS. Rachid Yazami (KVI Holdings, Singapore), GS. Akira Yoshino (Tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo, Nhật Bản) với phát minh kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

Đây là các công trình đột phá chung sức tạo nên cuộc cách mạng về năng lượng xanh bền vững cho thế giới hiện tại. GS. Martin Green cùng nhóm nghiên cứu với công nghệ Bộ phát thụ động và Tiếp điểm phía sau (pin mặt trời PERC) đã phát triển và thúc đẩy hiệu suất chuyển đổi năng lượng từ 15% lên 25%, đồng thời đạt được hiệu quả ở cả những khu vực có điều kiện ánh sáng không thuận lợi. Kể từ khi được sản xuất đại trà vào năm 2012, pin mặt trời PERC đã chiếm tới 60% thị phần thị trường pin mặt trời trên toàn thế giới.

f
GS. Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc) được vinh danh với phát minh đột phá trong việc sản xuất năng lượng xanh bằng pin mặt trời với công nghệ Bộ phát thụ động và Tiếp điểm phía sau (PERC). Ảnh:uoflnews

Cải tiến này đã mở rộng khả năng ứng dụng của pin mặt trời, ngay cả tại những khu vực có điều kiện ánh sáng không thuận lợi và biến pin mặt trời thành nhân tố quan trọng trong tiến trình phát triển bền vững. Không những thế, việc tăng cường hiệu quả sản xuất năng lượng và các quy trình sản xuất tinh chế đã giúp công nghệ này đạt được tính bền vững về mặt chi phí, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, việc lưu trữ bằng pin Lithium-ion đã mở rộng phạm vi sử dụng năng lượng đến mọi khu vực địa lý ở mọi thời điểm, giúp người dân thuộc tất cả tầng lớp xã hội đều có thể tiếp cận năng lượng xanh và bền vững. Pin Lithium-ion chính là thành phần nền tảng cung cấp năng lượng cho hơn 15 tỷ thiết bị di động và 26 triệu xe điện trên toàn cầu. Công trình do các nhà khoa học xuất sắc: GS Stanley Whittingham, GS Rachid Yazami, GS Akira Yoshino nghiên cứu phát triển.

Cụ thể, giải thưởng được trao cho GS Whittingham vì đã phát minh ra nguyên lý hoạt động của pin Lithium-ion và xác định vai trò của ion Lithium như một chất mang điện tích hiệu quả, GS Yoshino vì đã phát triển muội than (carbon black) làm cực âm trong pin Lithium ion và GS Yazami vì công trình nghiên cứu sự xen kẽ điện hóa của than chì và nhiệt động lực học của quá trình sạc / xả pin.

Lễ trao giải cũng tri ân cố Giáo sư Goodenough – nhà khoa học tiên phong với phát minh giúp pin Lithium-ion lần đầu tiên có thể được sạc lại, tác động tích cực lên hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên. Vào năm 2019, cố Giáo sư Goodenough, GS Whittingham và GS Yoshino đã nhận giải Nobel hóa học vì những thành tựu góp phần phát triển pin Lithium-ion.

fg
GS. Stanley Whittingham (Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Hoa Kỳ) đã phát minh ra nguyên lý hoạt động của pin Lithium-ion và xác định vai trò của ion Lithium như một chất mang điện tích hiệu quả. Ảnh:pressconnects

f
GS. Akira Yoshino (Tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo, Nhật Bản) là người phát triển muội than (carbon black) làm cực âm trong pin Lithium ion. Ảnh: Japan Forward

g
GS. Rachid Yazami (KVI Holdings, Singapore) được vinh danh với công trình nghiên cứu sự xen kẽ điện hóa của than chì và nhiệt động lực học của quá trình sạc / xả pin. Ảnh:aujourdhui

Hai cuộc cách mạng công nghệ trên đã đồng lực thúc đẩy, mở rộng và giúp đưa nguồn năng lượng sạch tiếp cận rộng rãi tới cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân, thông qua việc chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện bằng pin mặt trời PERC và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

Phát biểu nhận giải, GS. Rachid Yazami cho biết công nghệ lithium ion đã được sử dụng một số lượng lớn vào năm ngoái và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên qua các năm. “Tương lai chúng ta nằm ở trong tiến trình phát triển xe chạy điện. Hy vọng lần sau tới Việt Nam tôi sẽ thấy thêm nhiều xe điện hơn, không khí ngày càng trong lành hơn.”

Giáo sư Stanley Whittingham đã gửi lời cảm ơn những đồng nghiệp và các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. “Những nỗ lực này sẽ giúp chúng ta hướng tới hệ sinh thái bền vững hơn, giúp tăng cường sức khỏe cho thế hệ con cháu tương lai. Hy vọng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu.”

Bên cạnh Giải thưởng Chính, VinFuture 2023 cũng trao 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Trong đó, Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới được trao cho GS. Daniel Joshua Drucker (Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum, Đại học Toronto, Canada), GS. Joel Francis Habener (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), GS. Jens Juul Holst (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) và PGS. Svetlana Mojsov (Đại học Rockefeller, Hoa Kỳ) với công trình tiên phong Khám phá vai trò của các peptide giống glucagon 1 (GLP-1), là nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì hiệu quả và thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới đối với các bệnh thoái hóa thần kinh”.

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển vinh danh GS. Gurdev Singh Khush (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Philippines và Đại học California, Davis, Hoa Kỳ) và GS. Võ Tòng Xuân (Trường Đại học Nam Cần Thơ) vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nữ vinh danh GS. Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) cho đóng góp quan trọng trong việc “Khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam Cực”, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

Đây đều là các sáng kiến đột phá, có tác động sâu rộng tới hiện tại và tương lai nhân loại, thuộc các lĩnh vực quan trọng và có tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống của hàng tỷ người trên thế giới gồm Năng lượng xanh và bền vững, Ứng phó với biến đổi khí hậu, Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cùng Y học sức khỏe.

Nhận định về kết quả của Giải thưởng VinFuture 2023, GS. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết: “Tất cả các phát minh được trao giải đã thực sự tạo nên những bước tiến lớn trong lĩnh vực khoa học và đổi mới, để lại tác động trên phạm vi toàn cầu. Giải thưởng Chính tôn vinh những nhà tiên phong trong các công nghệ tối quan trọng mà nhân loại đang rất cần để đạt được năng lượng sạch và không phát thải, trong bối cảnh thế giới nỗ lực kiểm soát quá trình nóng lên toàn cầu.”

Phát biểu tại Lễ Trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết: "Từ lần trao giải đầu tiên đến nay, Giải thưởng VinFuture đã phát triển liên tục về chất lượng, số lượng và sự đa dạng, cho thấy sức hấp dẫn, ảnh hưởng, uy tín quốc tế ngày càng tăng”. Theo Chủ tịch nước, Giải thưởng đã khuyến khích, cổ vũ tinh thần khoa học, sự khiêm tốn và lòng cầu thị, sự dũng cảm vượt qua thách thức, vượt lên những rào cản, giới hạn, tư duy thông thường để sáng tạo, phụng sự con người.

Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, phải đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột, bệnh tật, đói nghèo, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước…, sứ mệnh tìm kiếm những giải pháp hữu ích mang tính toàn cầu cho một hành trình phát triển mới, bền vững và nhân văn đã được "đặt lên vai của những nhà khoa học mang trong mình sức mạnh của tri thức và tình yêu nhân loại, những người nắm giữ chìa khóa để khai mở cách giải quyết những bài toán đang đặt ra trên con đường phát triển của mỗi quốc gia và nhân loại", Chủ tịch nước kết luận.



Chính thức khởi động Giải thưởng VinFuture – Mùa giải 2024

Chu kỳ thứ tư của Giải thưởng VinFuture hiện đã bắt đầu, ngay sau khi Lễ trao giải VinFuture 2023 kết thúc. Giải thưởng VinFuture sẽ phát động kêu gọi đề cử chính thức từ 14 giờ ngày 9/1/2024 đến 14 giờ ngày 17/4/2023 theo giờ Hà Nội (GMT+7).

Giải thưởng sẽ vinh danh các tiến bộ trong khoa học công nghệ phù hợp với 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) như xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống, tạo cơ hội học tập trong nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, giảm bất bình đẳng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối tác đề cử xin gửi thông tin công trình tham gia xét giải qua cổng nhận đề cử trực tuyến: https://online.vinfutureprize.org/nomination.