Ý nghĩa các bài giảng trong khuôn khổ sự kiện này, theo ban tổ chức, có thể giúp “nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của khoa học cơ bản nói riêng và khoa học công nghệ nói chung trong việc bảo vệ môi trường”. GS.TS. Nguyễn Đại Hưng (Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam, nguyên Viện Trưởng Viện Vật lý) nhấn mạnh, “hãy luôn coi trọng khoa học cơ bản, bởi đó là cơ sở để chúng ta phát triển các công nghệ mới trong tương lai".
Tại sự kiện, các chuyên gia về đo lường chỉ số môi trường, vật liệu mới, khu dự trữ sinh quyển v.v. đều chia sẻ: khoa học cơ bản đã giúp “lộ sáng” những điểm còn ít người biết về thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Huyền Trang và cộng sự tại Đại học Southern California (Mỹ) đã khám phá một khía cạnh khác của những vi sinh vật bé nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy, đó là chu trình carbon ở đại dương - một yếu tố liên quan đến sự ổn định của khí hậu toàn cầu. Khám phá này hứa hẹn giúp các nhà khoa học có căn cứ để đánh giá chính xác hơn lượng carbon sẽ được lưu trữ trong đại dương cũng như lượng carbon quay trở lại khí quyển trong các kịch bản mới về khí hậu. TS. Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, tuy những khám phá này mới “chỉ là một câu trả lời rất nhỏ so với những gì nhóm muốn biết về tốc độ phân giải của carbon hữu cơ thành carbon vô cơ, tốc độ cố định carbon xuống dưới thềm đáy biển” song nó đã giúp chúng ta nhận ra rằng những hiểu biết của con người về thế giới vi sinh vật vẫn còn vô cùng hạn chế, và giúp các nhà hải dương học “chú ý hơn đến thông số vi sinh vật trong quá trình phỏng đoán mô hình biến đổi.”
Khoa học còn có thể giúp chúng ta trả lời những câu hỏi sát sườn hơn trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ có thể sử dụng những phương pháp vật lý quen thuộc như quang phổ, tán xạ laser để đánh giá chất lượng không khí với chỉ số các khí ô nhiễm như NOx, Ozone, xác định mật độ và phân bố kích thước hạt bụi…; hay góp phần giải bài toán năng lượng thông qua phát triển các công nghệ cho phép chuyển đổi hiệu quả năng lượng mặt trời thành các dạng năng lượng khác, tích trữ hiệu quả trong các chất/linh kiện mang năng lượng để có thể chủ động phân bổ và sử dụng theo nhu cầu. “Hydro là một chất mang năng lượng như vậy”, PGS.TS Trần Đình Phong (đồng trưởng khoa Khoa học Cơ bản và Ứng dụng, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chia sẻ. “Những nghiên cứu cơ bản đã giúp phát triển các loại linh kiện quang điện hóa (hay còn gọi là Lá nhân tạo) cho phép tạo hydro chỉ từ nước và ánh sáng mặt trời, tuy nhiên “cộng đồng khoa học và công nghệ sẽ còn phải vượt qua nhiều thách thức nữa trước khi một ‘nền kinh tế hydro’ có thể trở thành hiện thực.”
Tại phiên họp lần thứ 76 vào ngày 2 tháng 12 năm 2021, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã chính thức công bố năm 2022 là “Năm Quốc tế Khoa học Cơ bản về Phát triển Bền vững”. Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng các ứng dụng của khoa học cơ bản đóng vai trò vô cùng quan trọng trong những tiến bộ của y học, công nghiệp, nông nghiệp, tài nguyên nước, quy hoạch năng lượng, môi trường, truyền thông và văn hóa. “Các công nghệ đột phá từ Khoa học cơ bản đáp ứng nhu cầu của con người bằng cách cung cấp quyền truy cập thông tin và tăng cường phúc lợi xã hội, thúc đẩy hòa bình thông qua hợp tác cải thiện hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững.” |