Sau 2 năm tổ chức, lần đầu tiên ngày hội STEM có sự tham gia của một trường đại học – nơi định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau này. Sự kiện được tổ chức vào ngày Chủ nhật 14/5 tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội- 18 Hoàng Quốc Việt.
Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Sơn - Trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM 2017 - tại buổi họp báo ngày 10/5, Ngày hội STEM 2017 do Tạp chí Tia Sáng phối hợp với Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và cộng đồng STEM tổ chức có chủ đề "Hành tinh tương lai", với tiểu chủ đề là năng lượng tái tạo.
Ông Đặng Văn Sơn - Trưởng ban tổ chức Ngày hội STEM 2017.
Với sự tham gia của một trường đại học, học sinh tham gia Ngày hội STEM sẽ có cơ hội trải nghiệm không gian làm việc tại các phòng thí nghiệm đại học, chia sẻ những chủ đề nghiên cứu "hot" đang được triển khai tại đây… Cùng với việc hỗ trợ đào tạo giáo viên cấp thấp, đây là cách mà các trường đại học có thể giúp đỡ trường trung học cơ sở, tiểu học trong giáo dục STEM.
Ông Nguyễn Thế Trung - Tổng Giám đốc Công ty DTT - cho rằng sự đồng hành của các trường đại học và viện nghiên cứu sẽ tạo điều kiện cho việc chuẩn bị nguồn lực cho Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Thế Trung phát biểu tại buổi họp báo.
Một điểm mới nữa trong Ngày hội STEM 2017 là có sự tham gia của các học sinh bậc trung học phổ thông trong khi sân chơi này trước đây chỉ dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Các em có cơ hội tương tác với người máy thông minh NAO, tìm hiểu và lái thử xe thám hiểm sao Hỏa – sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Thiết kế Kỹ thuật Việt Nam 2016; được thực hành 1-2 thí nghiệm vật lý, hóa học, sinh học; giải đáp kiến thức liên quan tới năng lượng tái tạo, phát triển bền vững bằng tiếng Anh…
Ngày hội này cũng không thể thiếu những hoạt động trải nghiệm STEM: Trình diễn, trưng bày mô hình STEM, mô hình toán học, robotics, lập trình, các thí nghiệm thú vị liên quan tới chủ đề năng lượng tái tạo… của các đơn vị giảng dạy, thực hành STEM như Học viện Sáng tạo S3, Học viện STEM, Pomath, Kidscode và một số trường học.
Hiền Thảo